Phật Pháp: Dùng thân làm chiếc bè qua sông sanh tử - Ni Sư Hạnh Nghiêm

Hôm nay ở chùa có món su su xào, tàu hủ kho với củ cải trắng, và canh bí rợ chay.  Món tráng miệng có chè đậu trắng, xôi đậu xanh, có một cô lúc nào cũng làm rau câu, bánh chuối để cúng.  Mỗi tuần ở chùa, mọi người đều lo làm phận sự của mình một cách thật chu đáo.  Người nào việc ấy, rất đáng kính phục!

Sau khóa lễ sám hối hồng danh, Ni sư giảng hai đề tài:
1. Vì sao Phật nói thân người khó được, nhưng bảo phải quán thân bất tịnh?
2. Nghiệp báo khó tránh.

1.Được thân người là khó, nhưng phải quán thân bất tịnh.
. Được thân người khó như con rùa mù 100 năm trồi lên mặt biển một lần mà chui vào được bọng cây trôi lình bình giữa biển.
. Cây sắt trổ hoa còn dễ, được thân người khó hơn sắt trổ hoa.
. Một khi mất thân người, mình có thể làm trời, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Vì sao Phật chê thân người là hư dối, vô thường, biến hoại, bất tịnh, nhưng lại nói thân người khó được?  Như vậy có mâu thuẩn không?

Trước khi nhập thất ba tháng, đức Phật có giảng bài Tứ niệm xứ để dạy các Tỳ kheo có bốn nơi cần phải quán xét:
.  Thân bất tịnh:  thân ta có 9 lỗ (hai mắt, hai mũi, hai tai, miệng, đại tiểu tiện) toàn tiết ra đồ bất tịnh.
.  Thọ thì khổ:  cảm xúc vui cũng khổ vì nó không bền, cảm xúc khổ thì dĩ nhiên là khổ, cảm xúc không vui không khổ thì sinh nhàm chán.
.  Tâm vô thường:  ý nghĩ khi vầy khi khác, luôn biến đổi, buồn, vui, thương, giận, ghét...
.  Pháp vô ngã:  mình không làm chủ được thân tâm của mình và phải vay mượn không khí, thức ăn, đồ uống...  Thân muốn bệnh lúc nào thì bệnh, kêu nó đừng bệnh nó không nghe.  Vậy mà mình cứ chấp cho là thân này là của mình.  Sở dĩ có thân là vì vô minh và khát ái.  Thân không phải ta, không thuộc về ta vì ta là thường còn, là bất biến.  Còn thân là biến hoại.

Các Tỳ kheo nghe đức Phật nói bèn quán 36 vật nhơ trong thân.  Quán như vậy sinh ra chán, nhờm gớm thân thể mình, bèn mướn người ta giết chết.

Khi ra thất, đức Phật thấy tăng đoàn thưa thớt, hỏi ra mới biết.  Ngài liền họp đại chúng lại và nói giết thân mình hay bảo người khác giết thân mình là mang tội sát sanh.

Tuy thân là hư dối, tạm bợ, biến đổi, bất tịnh..., nhưng phải dùng nó để làm việc thiện, để tu hành đến chỗ giác ngộ giải thoát.  Như người sắp chết đuối giữa giòng sông, dù được khúc gỗ mục cũng phải nương nó để bơi vào bờ.

Nếu không có thân người, lấy gì để tu tập, để làm việc thiện?  Những người chết oan, đói quá phải nhập vào thân người khác để được người ta cúng cho ăn.

Khi chưa giải thoát, phải dùng thân để tu và làm lợi ích cho chúng sanh.

Còn mặt khác, thấy nó xấu nhưng cố tìm cách tô dưỡng cho nó đẹp, thời gian rồi nó cũng hoại.

Nên ta phải biết cách dùng thân:
.  Không giết nó
.  Không sơn phết, tạo nghiệp để nuôi dưỡng thân.
.  Mượn nó làm bè để qua sông sanh tử.  Chỉ có thân người là dễ tu nhất.  Trời lo hưởng phước, a-tu-la lo tranh đấu, địa ngục quá khổ, quỷ quá đói khát, súc sanh si mê, nên không tu được.

Vậy:
.Thân người khó được, nay đã được. 
.Phật Pháp khó nghe, nay đã nghe.

Quán thân bất tịnh để phá si mê, chấp ngã.  Nhưng lợi dụng thân để vượt qua sanh tử luân hồi.  Dịp may không đến hai lần, được thân người, 6 căn đầy đủ phải gắng sức tu hành.  Trong ta có chân tâm Phật tánh.  Thấy được mình có tánh Phật, phải lo tu hành để thành Phật.

2.  Nghiệp báo khó tránh:
Có một vị Tỳ kheo chửi hai vị A la hán là ngài Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất, vị này sau đó bị bệnh ghẻ lở, đau đớn đến chết và đọa địa ngục.

Lời nói như búa để trong miệng, nói lời ác có thể vì lời ác của mình mà khiến người ta tự vận.

Có câu chuyện bà mẹ mắng người con gái:  "mầy chết đi, sống không có lợi ích gì hết, chết đi tao cúng con heo."  Con bé dữ quá nghe vậy uống thuốc rầy tự tử chết.  Bà mẹ lúc đó khóc quá chừng chứ đâu có làm heo ăn mừng.  Qua đó ta thấy, lời nói có thể giết người.

Mình phải học nhẫn nhục, bình tâm, xem lời nói như gió thoảng qua tai.  Vì:  "một phút sân tâm, đốt tan rừng công đức."  Mình nói lời ác là do nóng giận mà ra.

Người ác hại người hiền như đi bụi ngược gió, như nhổ nước miếng lên trời.

Nếu mình bị người mắng mà không mắng lại là mình tự cứu mình và cứu người.

Có vị Thầy đã đặt hai câu thơ:
"Một phút hờn giận, lận đận cả đời ni cũng khổ
Trăm điều xả, ngàn điều xả thong dong tự tại rứa mà vui."

Chủ đề: ,

0 comments

Lên đầu trang