Phật Pháp: Vô Thường (TK Định Phúc)

- Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?- Là vô thường, bạch Thế Tôn!- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?- Là khổ, bạch Thế Tôn.- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: " Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?- Thưa không, bạch Thế Tôn.- Do vậy, này các Tỷ-kheo, phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".[1]
Đức phật đã thuyết bài Kinh Chuyển Pháp Luân và bài Kinh Vô Ngã Tướng để tiếp độ cho nhóm năm vị Kiều-Trần-Như , sau khi thời pháp chấm dứt thì năm vị trở thành năm vị Thánh Tăng A-La-Hán đầu tiên trong Phật Giáo. Hai bài kinh này được xem là hai bài pháp đầu tiên trong công cuộc hoằng hóa Phật Pháp của Đức Thế Tôn trong buổi sơ thời giác ngộ.
Và cho đến 45 năm sau, vào năm 80 tuổi, dưới tàn cây của hai cây Sālā, nơi khu rừng của dòng họ Mallā tại xứ Kusinārā, trước lúc viên tịch vô dư y Niết-bàn, Đức Thế Tôn đã ban lời di huấn cuối cùng đến cho hàng đệ tử:
Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật[2].
Từ buổi sơ thời giác ngộ cho đến lúc viên tịch Niết-bàn, 45 năm hoằng pháp, Thế Tôn thuyết giảng Chánh Pháp nhằm đến đến lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh, những gì Ngài để lại cho thế gian là kho tàng Pháp Bảo với 84.000 pháp môn tu học. Nói 84.000 pháp môn quả thật là nhiều nhưng nếu tóm gọn lại thì Đức Phật chỉ dạy duy nhất có hai điều, đó là sự khổ và sự diệt khổ.
Chư Tỷ-kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ[3].
Khổ, hẳn nhiên là một điều không ai muốn, nhưng vì chúng sanh cứ bám chấp vào cái ta, vào cái của ta, không thấy được bản chất vô thường của vạn pháp cho nên cứ mãi mãi khổ đau mà không hề biết đi tìm đến con đường thứ hai mà Đức Phật đã truyền dạy, đó là con đường đưa đến sự diệt khổ.
Khi biết Thế Tôn đã diệt độ, Phạm thiên Sahampati đã thốt lên bài kệ:

Chúng sanh ở trên đời,

Từ bỏ thân ngũ uẩn
Bậc đạo sư cũng vậy,
Ðấng Tuyệt luân trên đời.
Bậc Ðại hùng Giác ngộ
Như Lai đã diệt độ.
Rồi sau đó, Thiên chủ Sakka cũng đã thốt lên bài kệ:
Các hành là vô thường, Có sanh phải có diệtÐã sanh, chúng phải diệt, Nhiếp chúng là an lạc.
Tại những quốc gia theo Phật Giáo Nam Truyền (Theravāda) lấy Kinh điển Tam Tạng Pāli làm căn bản, chúng ta thường thấy trong những buổi lễ tang, Chư Tăng thường hay tụng những bài kệ Pāli như là một lời khuyến tấn tang quyến về sự vô thường, giả tạm của các pháp hữu vi, hễ có sanh thì có diệt, đó là lẽ đương nhiên không sao tránh khỏi...
Tất cả hành vô thường[4].
Danh từ saṅkhārā gọi là hành, tức là ám chỉ cho các pháp hữu vi (saṅkhata), là những gì được cấu tạo, được hình thành nên do bởi nhân và duyên, còn bị chi phối và tạo tác bởi những điều kiện khách quan.
Vô thường – aniccā, nghĩa là không thường tồn, luôn bị biến hoại, luôn bị biến chuyển, luôn bị thay đổi không ngừng nghỉ.
Cái gì chắc chắn bền vững đây? Chẳng có gì ngoài đau khổ. Đau khổ đến và đi. Hạnh phúc lại thay chỗ cho đau khổ. Cứ thế mãi. Ngoài chuyện đó ra chẳng có gì nữa cả. Nhưng chúng ta là những kẻ lạc đường không ngừng chạy theo và nắm bắt dục lạc. Dục lạc không thật đâu, chỉ là sự thay đổi thôi[5].
Vạn pháp hữu vi, tất cả đều là giả tạm, bất định; chúng từ không đến có và từ có lại trở về không, chúng sanh ra rồi hoại diệt liên tục không ngừng biến đổi, đó chính là bản chất thực của cuộc sống này.
Thế gian là vô thường, đi đến chỗ hủy diệt[6].
Bản chất vạn pháp là như vậy, thực tính của cuộc đời là thế đó. Và giáo pháp cũng hướng con người nhận biết được thực tính của các pháp. Chính do thấy được thực tính ấy thì mới thoát ra khỏi sự tham ái, do thoát khỏi tham ái nên được giải thoát, đó chính là mục đích cuối cùng của đời sống phạm hạnh, đời sống đi tìm sự an lạc tuyệt đối, bất sanh bất diệt, không còn bị chi phối bởi những điều kiện bên ngoài nữa.
Sắc... Thọ... Tưởng... Các hành... Thức, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".Này các Tỷ-kheo, do thấy vậy, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... đối với thức. Do nhàm chán nên ly tham. Do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa[7]".
Vào thời Ðức Phật có một thiếu phụ tên Kisā Gotamī. Bà sanh được một trai. Nhưng bất hạnh thay, khi vừa chập chững biết đi thì đứa trẻ lâm trọng bệnh rồi qua đời. Thương con quá, bà không đành để cho ai đem đi hỏa tán mà cứ nghĩ rằng sẽ có phương cách nào đó giúp con bà sống lại. Ðây là lần đầu tiên bà kinh nghiệm nổi buồn sâu xa của một bà mẹ mất con. Bà ôm đứa bé vào lòng, đi từ nhà này đến nhà khác, khóc than thảm thiết, kêu gọi mọi người mở tâm từ thiện tìm phương cứu sống đứa con yêu quý nhất đời. Ai nghe cũng động lòng, nhưng không một người nào có thể giúp bà làm được việc ấy. Bà vẫn không nản lòng vừa đi vừa tiếp tục kêu gào tìm người chữa trị cho con.
Nhờ người mách bảo bà đến gặp Ðức Phật. Bà quỳ xuống kính cẩn đảnh lễ Ngài và bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, con nghe rằng Ngài là người có thể cứu sống đứa con của con, xin Ngài mở lòng từ bi chỉ dạy cho con cách thức phải làm thế nào".
Ðức Phật dạy: "Con hãy đi tìm cho Như Lai một ít hột cải trắng. Nhưng hột cải ấy phải lấy ở trong gia đình nào mà xưa nay chưa bao giờ có người chết". Bà Kisā Gotamī hối hả chạy đi tìm cái mà bà tin là thuốc cứu mạng cho con, bụng nghĩ rằng hột cải trắng ắt không khó tìm.
Bà đến trước ngôi nhà đầu tiên trong làng và hỏi: "Xin thưa, ở đây có hột cải trắng không? Nếu có, xin cho tôi một vài hột để cứu sống con tôi". Trong nhà liền có người chạy ra trao cho bà hột cải. Nhưng khi bà hỏi thêm: "Xưa nay trong nhà có ai quá vãng chưa?" thì người nhà ngạc nhiên trả lời: "Sao bà hỏi lạ vậy? Gia đình nào mà chẳng có người chết. Riêng tại nhà tôi đây số người đã chết còn nhiều hơn là số người đang còn sống nữa". Bà Gotamī nghe vậy bèn trả lại hột cải và tiếp tục đến ngôi nhà thứ hai, bên cạnh ... rồi nhà thứ ba, thứ tư, vv... Ở mọi nơi bà đến hỏi như vậy thì nhà nào cũng có hột cải trắng, nhưng không có gia đình nào mà lại không có người đã qua đời.
Bà Gotamī đi hỏi như vậy cùng khắp xóm làng cho đến chiều tối mà chẳng tìm được điều bà muốn. Cuối cùng bà đứng lại than rằng: "Ôi! quả thật là một việc khó làm. Không ở đâu mà chẳng có người quá vãng. Rồi bà lại nghĩ: "À! như vậy đâu phải chỉ có một mình ta phải chịu cảnh chia lìa, phân tán. Ðâu đâu người chết cũng nhiều hơn người sống". Nghĩ vậy bà trở nên sáng suốt hơn và trở lại khu rừng nơi Ðức-Phật ngự.
Sau khi đảnh lễ Ðức Phật xong, bà bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, con không tìm được hột cải trắng như Ngài dạy vì cùng khắp xóm làng đâu đâu người chết cũng nhiều hơn người sống". Ðức Phật dạy: "Vậy con đã hiểu biết rằng không phải chỉ có con mới chịu cảnh chết chóc ly tán như vậy, mà đó là định luật chung cho tất cả mọi chúng sanh. Ðịnh luật ấy là: "Thần chết, như một dòng nước lũ, quét sạch mọi chúng sanh ra biển hoại diệt, trong khi lòng tham đắm của họ chưa thỏa".
Người tâm ý đắm say,Con cái và súc vật,Tử thần bắt người ấy,Như lụt trôi làng ngủ[8].
Sau khi nghe Ðức Thế Tôn thuyết giảng thời pháp về bản chất vô thường của đời sống, bà Kisā Gotamī đắc quả Tu-đà-hoàn.
Ngày nọ, bà có nhiệm vụ trông coi nhang đèn ở Chánh Ðiện. Sau khi thắp xong các ngọn đèn trên bàn thờ, bà ngồi lại quan sát. Vài ngọn sáng lên, vài ngọn khác chập chờn rồi tắt hẳn. Bà lấy hiện tượng đó làm đề mục hành thiền và suy niệm như sau: "Chúng sanh trên thế gian cũng như ngọn đèn, chợt sáng chợt tắt, chỉ khi đạt Niết-bàn mới chấm dứt.".
Ai sống một trăm năm,Không thấy câu bất tử,Tốt hơn sống một ngày,Thấy được câu bất tử[9].
Cuối bài kệ, Kisā Gotamī chứng A-la-hán cùng các thần thông.
Như vậy, Đức Phật ngài giảng dạy về tính chất vô thường giả tạm không phải để đem đến cho chúng sanh sự lo âu, sự bi quan mà ngài muốn chúng sanh có một tầm nhìn thực tiễn hơn, lạc quan hơn trong khi bị chi phối bởi những yếu tố khách quan. Cuộc sống luôn thay đổi, chúng ta không thể thay đổi cuộc sống được vì đó là định luật tất nhiên, nhưng chúng ta có thể thay đổi cách nhìn của mình để không phải bị đau khổ, không bị chi phối khi phải đối diện với sự vô thường.
Do định luật vô thường, cành hoa tươi tốt vừa nở tung một cách huy hoàng buổi sáng đã héo xào vào buổi chiều, người tráng niên khỏe mạnh hôm nay sẽ trở nên già nua bệnh hoạn trong một ngày mai; gia đình đông con nhiều cháu, sum hợp vui vầy hạnh phúc trong hiện tại sẽ ly tán chia lìa, người đi cảnh này kẻ cảnh khác. Tuy nhiên, cũng do định luật vô thường mà sự vật tăng trưởng và tiến hóa. Hột trở thành cây, cây con trở thành to lớn, cành lá sum sê, nụ trổ thành hoa.
Do định luật vô thường, người tốt có thể trở nên xấu nhưng cũng nhờ có định luật vô thường mà người xấu có thể trở thành tốt. Nếu không có luật vô thường, không có biến đổi, người như thế nào mãi mãi vẫn như thế nấy thì làm thế nào một tướng cướp khét tiếng đã giết hại biết bao nhiêu người như Aṅgulimala không thể trở thành một vị Sa môn Thích tử, không thể trở thành một vị Thánh vô lậu.
Nếu không có vô thường ắt không có cải tiến. Nhưng nếu để định luật vô thường biến đổi mình từ tốt ra xấu, từ trong sạch đến nhiễm ô, từ sáng suốt đến mê lầm thì rõ thật là tệ hại vô cùng.
Giáo pháp dạy chúng ta phải tinh tấn, chuyên cần, và không ngừng nỗ lực tận dụng cuộc sống vốn giả tạm, phù du này để làm trong sạch, rửa sạch những bợn nhơ, những cấu uế trong tâm, làm cho nó trở nên thanh khiết, để chuyển lần từ ác đến thiện, từ bóng tối của vô minh đến sự giác ngộ.
Ðó chính là chiếc chìa khóa sẽ giúp ta mở tung cánh cửa trần gian để thoát ra khỏi vòng quanh lẩn quẩn của mọi kiếp luân hồi vô tận không có hồi kết thúc và để rồi chúng ta đạt được một thành quả mới, đó là sự tịch tịnh Niết-bàn.

[1] Tương Ưng Bộ Kinh 3. Chương I – Tương Ưng Uẩn. Phẩm Tham Luyến. Kinh Vô Ngã Tướng (S.iii.66).
[2] Trường Bộ Kinh 2. Kinh Đại Bát Niết-Bàn.
[3] Trung Bộ Kinh 1. Kinh Ví Dụ Con Rắn.
[4] Dhp.277
[5] Chẳng Có Ai Cả - Ajahn Chah (TK.Khánh Hỷ dịch Việt).
[6] Trung Bộ Kinh 2. Kinh Raṭṭhapāla.
[7] Tương Ưng Bộ Kinh 3. Chương I – Tương Ưng Uẩn. Phẩm Những Gì Được Ăn. Kinh Các Vị A-La-Hán (S.iii.84).
[8] Dhp.287
[9] Dhp.114
Chủ đề: , ,

0 comments

Lên đầu trang