Phật Pháp: Sự nguy hiểm của dục lạc

Dùng ngôn ngữ ẩn dụ để làm rõ nghĩa của pháp đã giảng là một biệt tài của Đức Thế tôn trong lãnh vực giáo dục. Khi nói về đặc tính vui ít, khổ nhiều, não nhiều, nguy hiểm của dục lạc (kāmādīnava), đức Thế Tôn cũng đã dùng ẩn dụ cho vấn đề này.
ngu duc
Thế Tôn đã dùng nhiều pháp môn thuyết chướng đạo pháp. Và những ai thọ dụng chúng tự đủ bị chướng ngại. Thế Tôn đã thuyết các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn. Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như khúc xương... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như một miếng thịt... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như bó đuốc cỏ khô... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như hố than hừng... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như cơn mộng... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như vật dụng cho mượn... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như trái cây... Thế Tôn đã thuyết các dục vọng được ví như lò thịt... Thế Tôn đã thuyết các dục vọng được ví như gậy nhọn... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như đầu rắn, vui ít khổ nhiều, não nhiều và do vậy, nguy hiểm càng nhiều hơn".[1]

1. Các dục ví như khúc xương:


Con chó đói lã suy nhược, sau khi đến một lò thịt, ở đây người giết bò thiện xảo quăng cho nó một khúc xương đã lóc hết thịt chỉ còn dính máu. Con chó ấy gặm khúc xương phút chốc đầu tiên thấy thỏa mãn, hạnh phúc nhưng nó không thấy no, gặm khúc xương chẳng còn gì như vậy chỉ tăng thêm sự thèm muốn và khao khát, khơi dậy sự thèm ăn của nó. Thèm ăn và đang ăn nhưng không thấy thỏa mãn, không thấy no, đó là một mâu thuẫn, một sự khó chịu bức bách.
Các dục được ví như khúc xương vì nó không đem đến cho con người hạnh phúc thỏa mãn thật sự, con người cố công để đạt được cái mà họ cho là hạnh phúc nhưng thật ra khi chạm đến điều này họ vẫn không thấy hạnh phúc, mấy ai cảm thấy hạnh phúc như thế nào là vừa đủ, họ vẫn luôn thấy thiếu thốn, khát khao và bức bách, điều này dễ dẫn đến sân tâm và như vậy thọ dụng dục lạc sẽ dẫn đến sự có mặt đầy đủ của tham, sân, si.
- Này Gia chủ, ví như có con chó đói lả, suy nhược, đi đến một lò thịt giết bò. Ở đây, có người giết bò thiện xảo hay người đệ tử quăng cho nó một khúc xương, khéo lóc, tận lóc, không có thịt, chỉ có dính máu. Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Con chó ấy, khi gặm khúc xương ấy, khéo lóc, tận lóc, không có thịt, chỉ có dính máu có thể đoạn trừ được đói lả suy nhược của nó không?
- Bạch Thế Tôn, không. Vì sao vậy? Với khúc xương khéo lóc, tận lóc, không có thịt, chỉ có dính máu ấy, bạch Thế Tôn, con chó kia chỉ có mệt nhọc khốn khổ mà thôi.
- Cũng vậy, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Thế Tôn đã nói, dục được ví như khúc xương, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn".[2]
Dục lạc có thật hay không? Bản chất của nó có phải là hạnh phúc không? Chẳng mấy ai quan tâm điều này để buông bỏ đúng pháp, vì cũng như sự tham lam chấp thủ một miếng xương, không thể giải quyết bụng đói nhưng không thể quăng đi, con người ta không thể buông bỏ dục lạc mặc dù nó không hề đáp ứng một cách thỏa mãn cho con người.

2. Các dục ví như miếng thịt:


Một con chim dành được miếng thịt liền bay bổng lên không trung, trong khi những con chim khác cũng đang cố tìm mồi, vì vậy chúng đuổi theo để giành giựt miếng thịt, chúng đánh nhau, cấu xé lẫn nhau, để được miếng mồi. Trong tất cả chúng, khi lòng tham miếng thịt đã lớn mạnh rồi thì chẳng con nào chịu nhường con nào và như vậy dẫn đến đánh nhau và có thể dẫn đến tử vong.
- Này Gia chủ, ví như con chim kên, con chim diều hâu, hay con chim ưng giành được miếng thịt liền bay bổng lên; các con chim kên khác, chim diều hâu khác, hay chim ưng khác bay đuổi theo, đuổi sát theo giành giựt xé nát miếng thịt ấy. Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Nếu con chim kên, chim diều hâu hay chim ưng ấy không vứt bỏ ngay miếng thịt ấy, nó có thể do nhân duyên ấy, đi đến chết hay đi đến khổ gần như chết không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Cũng vậy, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Thế Tôn đã nói, dục được ví như miếng thịt, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn".[3]
Chiến tranh xãy ra cho loài người cũng bắt nguồn từ lòng tham, sự chinh phục, giành giựt và theo đuổi, quyền lực và sở hữu. Con người cố tìm kiếm cố, tạo dựng hạnh phúc cho mình từ cái gì khác ở bên ngoài, trong khi những người khác cũng có mục tiêu như vậy, họ vô tình hoặc cố ý quên hay không cần hiểu rằng khi cố giành lại cái gì cho mình thì nhất định người khác sẽ bị mất đi. Họ không biết rằng hạnh phúc đích thực chính là cái mà tất cả mọi người đều có, nó không thuộc sở hữu của ai mà là của tất cả, nó đã vốn có trong tất cả mọi người. Vì sự tự kỷ mà con người xung đột với nhau, chiến tranh và chết chóc không ngừng xảy ra trên cuộc đời này. Đây là điều tất yếu khi con người còn khát vọng chiếm hữu sai lầm về hạnh phúc.
Hoà bình chỉ có mặt trên thế giới này khi và chỉ khi con người vứt bỏ được sai lầm về hạnh phúc, vứt bỏ được những nhu cầu thái quá thuộc ham muốn cá nhân, cũng như con chim chỉ được yên thân khi nó vứt bỏ được miếng mồi oan trái kia, đó là thông điệp của bậc đạo sư Gotama qua ẩn dụ nầy.

3. Các dục ví như bó đuốc cỏ khô:


Một người cầm bó đuốc cỏ đang cháy rực đi ngược gió, lửa cỏ khô cháy mạnh, người cầm đuốc đã không thấy được sự nguy hiểm, lại không có trí tuệ để hiểu rằng đi ngược gió thì lửa sẽ tạt vào phía mình và người ấy đã bị cháy tay, cháy mặt và các phần khác, vị ấy sẽ đau khổ vì bỏng nặng và có thể dẫn đến tử vong.
- Này Gia chủ, ví như một người cầm một bó đuốc cỏ đang cháy rực đi ngược gió. Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào, nếu người ấy không vứt bỏ ngay bó đuốc ấy, bó đuốc cỏ đang cháy rực ấy có thể đốt cháy tay, hay đốt cháy cánh tay, hay đốt cháy một thân phần của người ấy, người ấy có thể do nhân duyên ấy, đi đến chết, hay đi đến khổ gần như chết không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Cũng vậy, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Thế Tôn đã nói, dục được ví như bó đuốc cỏ, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn".[4]

4. Các dục ví như hố than hừng:


Một hố than hồng sâu hơn thân người, có một người bị bệnh cùi thân thể lở lói, các loài trùng đục khoét các vết thương, để khỏi bị ngứa, người này nên dùng thuốc men y khoa để chữa trị, thay vì vậy ông ta hơ đốt thân mình trên hố than hừng cháy, người này cảm thấy dễ chịu, thỏa thích, đã ngứa. Tuy nhiên vì nguyên nhân ấy mà các vết thương càng đau nhức, càng lở lói và không thể nào lành được, bệnh tình người ấy sẽ trở nên trầm trọng suýt chết và cũng có thể dẫn đến cái chết. Sự thỏa thích dễ chịu nhờ hố than hồng như vậy đã đồng nghĩa với sự hiểm nguy.
- Này Gia chủ, ví như một hố than hừng, sâu hơn thân người, đầy những than hừng, cháy không thành ngọn, cháy không thành khói, và một người đi đến muốn sống, muốn không chết, muốn lạc, né tránh khổ. Nhưng có hai nhà lực sĩ, nắm chặt hai cánh tay người ấy và lôi người ấy đến hố than hừng. Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Người ấy có co rúm thân, vật qua vật lại phía này phía kia không?
- Bạch Thế Tôn, có. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì người ấy biết: "Nếu ta rơi vào hố than hừng này, do nhân duyên này, ta sẽ đi đến chết hay đau khổ gần như chết.
- Cũng vậy, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Thế Tôn đã nói, dục được ví như hố than hừng, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn".[5]

5. Các dục ví như người nằm mộng:


Này Gia chủ, ví như có người nằm mộng, thấy vườn khả ái, rừng núi khả ái, đất đai khả ái, ao hồ khả ái; khi tỉnh dậy, người ấy không thấy gì cả. Cũng vậy, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Thế Tôn đã nói, dục được ví như một cơn mộng, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn".[6]
Cảnh vật thực tại không bao giờ giống như trong giấc mơ, cho dù giấc mơ ấy tái hiện lại những gì đã xảy ra nó vẫn không thể nào giống được, huống nữa là một giấc mơ “chỉ là mơ”. Người ta cho rằng nó đã mất, nhưng có đâu mà mất, cái đẹp trong mộng thực ra chỉ do chủ quan tâm thức của con người mà thôi. Con người ham mê các thú vui trên đời này, theo đuổi những cái được coi là hạnh phúc trong thế giới này. Họ cảm thấy vừa ý, cuộc đời là đáng yêu, đáng hưởng thụ. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó chợt sực tỉnh và tự hỏi nó thật sự được hạnh phúc hay không, thật sự thỏa mãn hay không? họ cảm thấy tất cả đều không như họ tưởng chút nào.
Chẳng mấy ai trên đời thật sự tỉnh giác, tỉnh rồi mê, mê rồi tỉnh, mộng rồi thực, thực đến mộng, vì vậy mà con người vẫn cứ say, vẫn cứ yêu, vẫn cứ đam mê, ham thích rất nhiều thứ trên đời mà chưa hề thật sự tỉnh giấc. Như khi sực tỉnh thấy giấc mơ thật sự không phải hạnh phúc, một người thức tỉnh thật sự sẽ nhận thấy được rằng những hạnh phúc mà họ lăn xả để tìm cầu, để chạy theo đó để rồi mất đó chỉ là ảo ảnh, thức tỉnh thấy được ảo ảnh thì nhất định sẽ tìm thấy một con đường vượt lên trên, con đường đưa đến chân hạnh phúc. Hạnh phúc như trong mơ chỉ là bất hạnh vì nó làm con người nuối tiếc bức rứt, “khổ nhiều, não nhiều”, đó là những gì đức Thế Tôn muốn gửi gắm lại nơi ví dụ này.

6. Các dục ví như tài vật mượn xài:


Một người ưa sang trọng nhưng tự mình nghèo không có đồ trang sức, người ấy đi mượn của người khác để dùng, khi đến đám đông mọi người thấy vị đó sang trọng nên rất nể phục, anh ta lấy đó làm hãnh diện, vui sướng hạnh phúc, nhưng được một lát sau hay một thời gian không lâu nào đó người cho mượn đồ ấy lấy lại mọi thứ, và vị này không còn gì để hãnh diện hạnh phúc, vị ấy xấu hỗ, đau khổ. Thật là một sai lầm, của cải của chính ta đây còn chưa phải là thật, có đó rồi mất đó huống gì là đồ vay mượn!
- Này Gia chủ, ví như có người mượn tài vật cho mượn như xe cộ xứng đáng bậc sang trọng, các đồ châu báu trang sức mỹ diệu, và với những đồ vật vay mượn ấy, người ấy đi vào chợ phố, được (tôn trọng) đi trước, được nhiều người vây quanh, và quần chúng thấy người ấy bèn nói: "Người này thật sự giàu sang, và người giàu sang hưởng thọ tài vật như vậy". Nhưng những người chủ thấy người kia ở chỗ nào liền lấy lui những vật sở hữu của mình. Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Có phải sự (trá hình) dị tính của người kia được chấm dứt ở đây?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì những người chủ lấy lui những vật sở hữu của mình.
- Cũng vậy, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Thế Tôn đã nói, dục được ví như tài vật vay mượn, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn".[7]

7. Các dục ví như cây nhiều trái:


Trong khu rừng kia có một cây nhiều trái chín, người trong làng thấy vậy bèn đến hái ăn, họ leo lên cây để ăn cho thỏa thích, trong khi những người khác cũng đến hái trái cây này, và hơn người đi trước, họ mang theo rựa, chặt luôn cả cây để hái được nhiều trái. Người đến trước do vì mãi mê ăn trên cây mà không hay biết, anh ta ngã xuống theo cây mà bị tổn thương thậm chí có thể chết. Ham muốn sở hữu nhiều trái cây như vậy thật chẳng an ổn chút nào.
- Này Gia chủ, ví như gần thôn làng hay gần thị tứ có một nhóm rừng, ở đấy, có một cây đầy những trái chín, nhưng không có trái nào rơi xuống đất. Rồi một người đi đến, ước mong trái cây, tìm cầu trái cây, đi khắp đó đây để tìm trái cây. Người ấy đi sâu vào ngôi rừng ấy, thấy cây ấy đầy những trái chín. Người ấy có thể nghĩ như sau: "Cây này đầy những trái chín nhưng không có trái nào rơi xuống đất, nhưng ta biết leo cây. Vậy ta hãy leo lên cây ấy ăn cho thỏa thích và bọc đầy áo (để đem về). Rồi người ấy leo lên cây ấy, ăn cho thỏa thích và bọc đầy áo (để đem về). Rồi một người thứ hai đi đến, ước mong trái cây, tìm cầu trái cây, đi khắp đó đây để tìm trái cây, và tay mang một búa sắc bén. Người này đi sâu vào ngôi rừng ấy, thấy cây ấy đầy những trái chín. Người này có thể nghĩ như sau: "Cây này đầy những trái chín, nhưng không có trái nào rơi xuống đất. Nhưng ta không biết leo cây. Vậy ta hãy chặt cây này tận gốc, ăn cho thỏa thích, và bọc đầy áo (để đem về)". Rồi người này chặt cây ấy tận gốc. Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Nếu người kia không leo xuống thật mau, thời cây ấy khi rơi đổ xuống, sẽ làm cho người thứ nhất, hoặc bị gãy tay, hoặc bị gãy chân, hoặc bị gãy một phần thân nào. Và do nhân duyên ấy, sẽ bị chết hay đi đến đau khổ gần như chết?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Cũng vậy, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Thế Tôn đã nói, dục được ví như cây có trái, khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn".[8]
Con người có nhiều khát vọng, ai cũng muốn chinh phục một cái gì đó để sở hữu cho mình, để tạo niềm hạnh phúc cho mình, nhưng những hạnh phúc trong cuộc đời này quá nguy hiểm và tầm thường, quá giới hạn và mọi người đều muốn sở hữu, dẫn đến tiêu diệt nhau, thật chẳng có bình an chút nào. Thế giới còn đầy chiến tranh và giành giựt nguy hiểm khi con người còn đắm mình trong dục lạc cá nhân, đó là thông điệp của Bậc Đạo Sư Gotama qua ví dụ trái cây này.

8. Các dục ví như lò thịt:


Lò thịt là nơi các con thú lần lượt bị kết liễu cuộc đời, bị mổ xẻ, sau đó làm thức ăn cho con người. Trước khi đem vào lò mổ, người ta cho gà, vịt ăn một bữa no nê thay vì nó phải tự đi kiếm ăn như hàng ngày. Con lợn cũng vậy, nó được ăn một bữa thật no để lên ký trước khi bán. Những con vật này không hề biết mình sắp bị giết, nó vẫn vui với những hạt lúa, hạt bắp, hay bữa ăn rau cám.
Lao vào kiếm tiền thật nhiều để thỏa mãn đời sống vật chất: tham nhũng, hối lộ, cướp của, giết người phải dẫn đến tù tội. Có những kẻ phải nhận án tù chung thân, thậm chí có kẻ bị kết án tử hình. Tên tử tù trước khi nhận án, cũng được ban cho một ân huệ cuối cùng là bữa ăn đầy cao lương mỹ vị, tên tử tù hơn các con thú là không còn tâm trạng nào để ăn khi cái chết đang chờ trước mắt, lúc này hắn ta hiểu thì đã muộn rồi. Nhân loại đang chìm đắm. Phải chịu sự vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn của các dục như con vật nuôi đang trên đường đi đến lò mổ.
Con người có thể quên bẵng đi được tất cả bao nhiêu khổ sở, đau đớn, khi người ta nhận được chút ít an ủi bằng danh lợi, tiền tài, sắc đẹp, tiếng khen, ăn ngon hay ngủ kỹ. Loài người vì tham đắm vào các dục lạc quên đi tất cả những gì khổ não, tạm bợ. Mạng sống con người không khác nào như chỉ mành treo chuông. Sống thêm một ngày là chúng ta như những gia súc trên đường đi đến gần lò mổ thêm một bước, vì vậy đức Phật dùng ví dụ lò thịt để chỉ cho các dục.

9. Các dục ví như gậy nhọn:


Dục được ví như cây gậy, cây gậy có đầu nhọn. Cây gậy này dùng để chống đi đường, nhưng nếu chúng ta không cẩn thận nó có thể đâm chúng ta gây thương tích. Như con dao bén có thể dùng trong phẫu thuất để mổ xẻ cứu người, chế biến thức ăn ngược lại nó cũng rất dễ làm chúng ta đứt tay, chảy máu, gây thương tích nếu chúng ta không cẩn thận. Gậy nhọn chúng ta có thể liên hệ như cây xà-beng, một vật dụng rất cần thiết, nhưng chúng ta chỉ bất cẩn tý xíu là gây thương tích nguy hiểm.
Trong năm thứ dục lạc, sắc dục là mối đe doạ nguy hiểm nhất, trừ những bậc sống đời phạm hạnh, tu tập thiền định tiết chế và ly dục mới thoát khỏi nhờ niềm vui ly dục, ngoài ra bao thế hệ vua chúa, cường hào, thánh nhân đều bị mê đắm vì sắc dục.
Các dục nguy hiểm như gậy nhọn, phải cẩn thận như sử dụng xà beng, càng bén càng dễ đào đất nhưng gây thương tích càng nguy hiểm nếu bất cẩn.

10. Các dục ví như đầu rắn:


Một người nông dân tìm bắt con rắn nước, do không bắt ở đầu mà bắt ở đuôi hay ở thân giữa nên bị con rắn nước cắn lại người đó đến nỗi bị thương, và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì bắt rắn không đúng phương pháp mà dẫn đến điều đáng tiếc trên. Dụ này dùng để chỉ cho việc thọ dụng dục lạc cần phải có một lập trường, một phong thái, một phương pháp đúng đắn mới không bị dục lạc làm phản tác dụng trở lại hại mình.
Trong một phạm vi, một chừng mực nào đó dục lạc đóng vai trò là nhu cầu của cuộc sống như ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí… tuy nhiên không nên quá lạm dụng, quá đam mê, quá chiều chuộng biến nhu cầu thành ham muốn. Đức Thế Tôn dạy:
Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát, thọ dụng y phục, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng.
Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng món ăn khất thực không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn".
Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng sàng tọa, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loại bò sát, chỉ để giải trừ nguy hiểm của thời tiết, chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh.
Vị ấy như lý giác sát thọ dụng dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác khổ thống đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn.[9]
Thọ dụng như vậy, các nhu cầu không mang tính dục lạc, không phục vụ lòng ham muốn, đam mê. Nói khác đi thọ dụng một pháp gì cũng cần đặt ra một mục đích hợp lý, mục đích hướng thượng để tránh sự trỗi dậy của lòng tham đang rình rập. Trích dẫn trên đây là một điển hình về quan điểm của Đức Phật về thọ dụng. Tuy nhiên, pháp ngài giảng tuỳ theo từng đối tượng hoặc xuất gia, hoặc tại gia, tùy trường hợp mà áp dụng đúng pháp khi thọ dụng để dục lạc khỏi mang lại hiểm nguy, để khỏi bị nó áp đặt, sai khiến, để khỏi đưa đến phản tác dụng. Cũng như bắt rắn phải đúng cách thức, đúng quy trình để rắn khỏi quay đầu lại cắn tay người bắt, đó là nội dung của ví dụ này.
Trên đây là một vài ví dụ được rút ra từ những bài kinh trong Trung Bộ Kinh. Các ví dụ đã cho ta thấy Đức Phật không hề phủ nhận dục lạc thế gian, nói khác đi, ngài vẫn công nhận nó là một nhu cầu cho con người, chúng có mang lại niềm vui đấy nhưng vui ít khổ nhiều.
Nhận thức được dục lạc, vị ngọt, sự nguy hiểm là bước đi quan trọng, nhưng phải tìm ra một con đường một phương pháp để giải quyết chúng. Nếu chỉ dừng lại ở đó mà không tìm ra phương pháp xả ly thì cũng giống như kẻ thất tình “giác ngộ” tình yêu là tạm bợ, anh ta vừa ra khỏi nỗi khổ dày vò của tình yêu nhưng rồi lại cứ tiếp tục lao vào các cuộc tình khác. Trong những cuộc truy tìm hạnh phúc ấy, đâu là thật, đâu là giả? Anh ta đã chạy theo ảo ảnh của nhận thức sai lầm khi cứ mãi rong ruổi theo dục lạc ngũ trần.
Định Phúc
----------------------------
[1] Trung Bộ Kinh 1. Kinh Ví Dụ Con Rắn.
[2] Trung Bộ Kinh 2. Kinh Potaliya.
[3] Sđd.
[4] Sđd.
[5] Sđd.
[6] Sđd.
[7] Sđd.
[8] Sđd.
[9] Trung Bộ Kinh 1. Kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc.
Chủ đề: , ,

0 comments

Lên đầu trang