Phật Pháp: Ý nghĩa chữ tu “ái diệt tức Niết bàn”

269613_1850203580201_1394075323_31590785_2414439_n Chữ “Tu” 修 thì viết rất đơn giản nhưng cực kỳ khó để thực hiện, nhiều khi cả một kiếp làm không xong. Đức Phật thị hiện xuống Ta-bà 45 năm thuyết Pháp. Ngài để lại tam tạng kinh điển không ngoài mục đích của chữ “tu” 修 để hằng ngày chúng ta tu tập diệt trừ phiền não tham, sân, si đưa tâm trở về thanh tịnh
Nhiều người thường nói rằng: “tu là sửa” “hành là làm” mà sửa cái gì và làm cái gì? sửa cái tâm, mà cái tâm của chúng ta thì vô tướng, chúng ta là hàng phàm phu không thể nhìn thấy trực diện cái tâm của mình, cái tâm là một kho chứa (tạng thức), nó tích lũy chứa nhóm tất cả những pháp nhiễm ô (phiền não) từ vô thỉ vô chung cho đến nay, chính vì những chủng tử bất thiện dẫn dắt chúng sinh trôi lăn sinh tử luân hồi. Ngày hôm nay chúng ta có duyên lành quay về nương tựa Tam-bảo để tu tập diệt trừ những phiền não chướng. Nhưng để nhận ra sự vận hành chuyển biến của dòng tâm thức tạo ra phiền não là một điều rất khó. Vì vậy chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa chữ “tu” như thế nào.
Trong Hán Việt tự điển Thiều Chửu giải thích chữ “tu” 修: “Tu” nghĩa là sửa, sửa cái xấu thành cái đẹp, sửa cái hư thành cái tốt. Như là:
Tu thân” 修 身 (sửa thân),
Tu đức” 修 德 (sửa đức),
Tu lý cung thất 修 理 宮 室 (sửa sang nhà cửa).
Chữ “tu” trong đạo Phật gọi là “tu tâm”: sửa tâm phiền não thành tâm thanh tịnh, sửa tâm xấu ác thành tâm thiện, sửa tâm chúng sinh thành tâm Phật. Tại sao chúng ta phải “tu”? Tâm ban đầu vốn dĩ thanh tịnh và trong sáng. Nhưng do vọng tưởng khởi động, phiền não tham, sân, si che lấp Phật tính của mỗi chúng sinh tạo nên ác nghiệp.
Ngày hôm nay chúng ta quay về nương tựa Tam-bảo  để “tu”  diệt trừ hết phiền não để tâm thanh tịnh trở lại, gọi là “hành”
Chữ “tu” được cấu tạo bởi: chữ 人 (nhân) con người +丨(cổn) sổ, là dọc theo, thuận theo + 夂 (truy) nghĩa là theo đến + 彡(sam) còn âm nữa là tiệm = tu 修.
Tu 修 gồm có: “Đốn tu” và “tiệm tu”. Đốn tu là tu mau, trực nhận, nhìn thẳng. Trong Thiền-Tông gọi là “trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật”, thấy tánh thành Phật. Đây chỉ có các bậc trí tuệ siêu phàm mới “Tu” được, như các vị Tổ sư. Như Ngài Bồ-Đề-Đạt-Ma, Ngài Huệ-Năng…
Còn chúng ta là phàm phu, tâm tánh mê muội phiền não rẫy đầy che lấp đi bản thể thanh tịnh. Hôm nay chúng ta quay về Quy y Tam-bảo thuận theo丨(cổn) sổ, là dọc theo 夂 (truy) hướng đến彡(sam) ba biểu tượng này cho Tam-bảo (Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo) để tiệm “Tu”. Phật, Pháp, Tăng là ba ngôi quý báu để chúng ta nương theo đó mà “tu” tập sửa đổi tâm xấu thành tâm tốt, sửa tâm chúng sinh thành tâm Phật.
Vì vậy, chúng ta bắt đoạn đoạn trừ ba món phiền não căn bản, đứng đầu là tâm tham, đến tâm, sân và si. Nhưng tâm si hay còn gọi là vô minh là nguồn gốc tạo ra tâm tham, sân, khiến con ngươi tạo nghiệp bất thiện. Người tu Phật cốt yếu là diệt trừ ba món phiền não này để tâm thanh tịnh an lạc, hạnh phúc ngay trong kiếm sống hiện tại và nhiều đời sau.
Ở đây người viết chỉ trình bày vấn đề tu tập “ái diệt tức Niết-bàn”
Tâm “tham” nói đúng hơn chính là sự tham ái (taṇhā) nghĩa là sự yêu mến, thèm khát, tham ái ở đây nghĩa là sự ham muốn qua cảm thọ. Tham ái chính là cội nguồn sinh tử luân hồi.
“Dòng ái dục trải khắp
Như dây leo mọc tràng
Thấy dây leo vừa sanh
Với tuệ hãy đoạn gốc” (pc: 340)
Đức Phật dạy có sáu ái xứ: ái sắc, ái thinh, ái hương, ái vị, ái xúc, ái pháp. “Ái” có nghĩa là khổ, sự uất ức sinh lên do ái dục, tâm phát khởi thì không còn sự uất ức. “Ái” lúc nào cũng ầm ỉm, để rồi bùng cháy thiêu đốt tâm can của chúng sinh cả ngày lẫn đêm, thật ra ít có ai hiểu mình đang bị lửa tham ái thiêu đốt triền miên trong ba cõi không ngừng nghỉ, như những gả cùng tử rong chơi, đùa giỡn trong nhà lửa, mà quên đi cái họa cháy thân thật đáng thương thay! tất cả chúng sinh vẫn còn đang say mê trong biển ái dục khao khát triền miên bất tận đời này đến đời khác.
Nguyên nhân của khổ thường được các kinh đề cập chính là tham ái, do tham ái mà chấp thủ, bám víu vào các đối tượng của tham ái. Sự khao khát về dục lạc sẽ dẫn đến khổ đau, bởi vì lòng khao khát ấy không bao giờ thỏa mãn. Khuynh hướng của con người là tìm kiếm và ham thích những sắc đẹp, những âm thanh hay, những mùi hương thơm lạ, những vị ngon ngọt, những xúc chạm êm ái, và tránh xa các sắc, thanh, hương, vị và xúc trái ngược.
Lòng tham ái càng mạnh thì chấp thủ ngã càng mạnh, là nghiệp lực dẫn tới tái sinh đời này, đời khác. Những ham muốn năm trần ấy được gọi là dục ái. Khi năm trần thay đổi thì khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Ngay cả khi con người đang nắm giữ năm trần đẹp ấy, thì nỗi lo sợ năm trần biến đổi, biến hoại cũng đủ gây khổ đau ray rứt lòng người. Cả những khi lòng tham ái có mặt đang chờ đợi đón nhận năm trần đẹp, cũng gây nên những dao động, xao xuyến, âu lo. Ðấy là tất cả ý nghĩa: dục ái là Khổ tập Thánh đế. Bị vướng mắc vào dục ái, con người khó thoát ly khỏi Dục giới.
Khát Ái: là lòng ham muốn vô biên, vô tận, về mọi thứ trên cuộc đời. Cổ nhân thường nói: “Lòng dạ của con người như túi tham không đáy”. Sự “khát ái” của chúng sinh không bao giờ cùng tận, khi mong muốn này được thoả mãn, thì mong muốn khác lại phát sinh, tất cả những gì vật chất và tinh thần đều không thoát khỏi tầm ngắm nhìn và nắm bắt của con người. Một khi đã đem tâm ưa thích thì suốt đời con người không bao giờ ngưng mong cầu. Đức Phật dạy rằng: “Người đắm mình trong khát ái chẳng khác nào như kẻ ngu muội uống nứơc muối cho đỡ khát, không ngờ càng uống càng thấy khát thêm”. Ôi! cũng chỉ vì tham vọng khát khao không thỏa mãn mà con người, phải quay cuồng trong biển mặn đau thương. Tâm lý khát ái này tuy không hình tướng nhưng chúng có một sức mạnh to lớn, đưa chúng sinh đến chỗ tạo nghiệp khổ đau.
Tham Dục: Là tham đắm vào ngũ dục, ngũ dục gồm có hai: Ngũ dục thô và ngũ dục tế.
Ngũ dục thô gồm có: Tài, sắc, danh, thực, thuỳ.
Ngũ dục tế gồm có: Sắc, thinh, hương, vị, xúc
Đối với sắc đẹp, con người ưa thích nhìn ngắm và sinh tâm luyến ái. Tiền tài vật chất là những thứ không thể thiếu trong đời sống của con người nên dễ có mãnh lực lôi kéo chúng sinh chìm đắm trong hố sâu tội lỗi. Vì mong cầu, tham đắm, con người mới có thể cướp đoạt tài sản của kẻ khác, lắm lúc còn sát hại lẫn nhau để thoả mãn dục vọng đê hèn. Trên cõi đời này ít có ai biết và chịu sống an phận mà đa số thường chạy theo danh cao chức trọng, bởi khi có danh vọng tức có quyền y, có kẻ hầu người hạ, “nhứt hô bá ứng”. Do đó danh vọng là thứ rất ưa thích của mỗi con người. Về thực (ăn) và thùy (ngủ nghỉ) là hai món cung cấp cho cơ thể có được sức khỏe là để bảo vệ xác thân, nhưng họ đâu biết sự thật đó chỉ là giả mộng: Vì thế HT. Thích Thanh Từ đã dạy:
“Chiếc thân tứ đại khói
Sinh hoạt thế gian mây
Thành công khối nước đá
Thất bại chùm bọt tan
Nhục vinh bong bóng nước
Thương ghét hạt sương mai
Khổ vui trong giấc mộng
Danh lợi bóng chim bay
Tháng ngày cái chớp mắt
Còn, mất, nước trăng lay
Chung cuộc cơn gió thoảng
Viên mãn bầu trời trong”
Con người thường ham muốn ăn ngon, mặc đẹp … nói chung năm thứ dục thô này là những thứ cảm dỗ làm cho chúng sinh chìm đắm trong đó. Chúng khiến con người mệt mỏi nhưng không chán nản, không ngừng tâm tham lam mong cầu. Còn đối với ngũ dục tế, con người thường thấy sắc cho là đẹp, ưa nhìn tham đắm, thích trau chuốt, tai thích nghe và thưởng thức mãi những âm thinh êm dịu, du dương, mùi thơm của cao lương mỹ vị …cũng là thứ làm cho con người ưa ngửi tham đắm, mong cầu được ăn ngon mặc đẹp. Con người chạy theo năm thứ ngũ dục quên cả chính bản thân mình, khi nhìn lại thì đã luống qua kiếp người.
“Ôi! loay hoay đã nữa kiếp rồi
Thu bay trên những nụ cười xanh xao
Rõ ràng mở mắt chiêm bao
Biết như mộng huyễn vẫn đau xé lòng”.
Than ôi! Lửa tam giới cháy mãi không thôi, xe sanh tử xoay hoài không ngớt, ấy cũng vì ham vui ngũ dục thành ra đau khổ. Đức Phật dạy rằng: “Cái khổ lớn nhất của con người không gì bằng năm thứ say sưa theo ngũ dục”. Để rồi phải chịu cảnh khổ đau trong kiếp sống hiện tại và tương lai.
Sự giải thoát an vui đối với những ai tháo gỡ sự ràng buộc trong tham ái, không bị đắm chìm theo sự sống ăn, uống cao lương mỹ vị, thoả mãn với áo quần đẹp đẽ, nhà cao, cửa rộng, lầu đài nguy nga rực rỡ, lối sống cầu kỳ xa xỉ.
Đức Phật đã tìm ra nguyên nhân và chỉ dạy phương pháp diệt trừ khổ đau, cách tập trung trí tuệ để nhổ tận cội rễ của tham ái như trong kinh Niết -Bàn đức Phật có dạy: “Và này các Tỳ kheo khi Tỳ kheo đoạn tận khát ái, chặt đứt đến gốc rễ, làm như cây ta la không thể tái sinh, không sinh khởi trong tương lai, như vậy các Tỳ kheo đã đào lên khổ từ trước chưa được đào lên”.
Như thế chúng ta thấy rằng, mọi khổ đau của con người đều do dục vọng, tham ái tìm cầu mà ra. Giáo lý của Đức Phật rất thực tiễn, không truy tìm quá khứ, cũng không ước vọng ở tương lai, vì nó không giải quyết theo ước muốn của mình được, mà chỉ thêm hoang mang lo sợ một khi ái dục bị buộc ràng.
Từ những lời dạy của Đức Phật, chúng ta biết được tư tưởng của con người chỉ là tư tưởng hữu ngã, bị ám ảnh và vận hành, nên con người thường bị nhìn dưới lăng kính “tham ái”. Từ trên cơ sở đó, các ham muốn dục lạc, dục tình trùng trùng sinh khởi. Đức Phật chỉ rõ chúng ta thấy dục vọng không phải “ta” không phải “của ta”, cũng không phải “tự ngã của ta”. Nhưng con người luôn say đắm trong dục vọng, để rồi phải chịu khổ đau vì nó.
Do đó là một Phật Tử chân chính hãy mau vựơt khỏi chốn bùn nhơ của dục vọng, ham muốn thấp hèn để trở về nơi an tịnh và hạnh phúc của chân tâm. Sự từ bỏ này có thể xảy đến tức thời và hiệu quả nhưng cũng có thể trải qua một quá trình hạ thủ công phu.
Hạnh phúc trong Phật Giáo là sự từ bỏ“tham ái, chấp trước” có nghĩa là không vướng bận bất kỳ mọi hoàn cảnh nào. Ở trong khổ đau vẫn thấy an vui, hạnh phúc, ở trong đời ngũ trược đầy dẫy sự đau khổ và bất công, chúng ta cũng có thể tự tại, an vui, cho dù chung quanh của ta toàn là ngũ dục, lạc thú. Chúng ta vẫn không vướng mắc đến nó cho nên thật là chí lý khi nói:
“Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau
Giải thoát là ung dung trong ràng buộc”
Sống đúng tinh thần như vậy chính là nét đẹp của Phật Giáo, là giải thoát, là Niết - Bàn tự tại. Như vậy Niết - Bàn thường được diễn tả bằng những từ ngữ phủ định như (taṇhkkhaya) - ái diệt, sự tiêu diệt dục vọng; (asankhata) - vô vi; không bị kết hợp,
không bị giới hạn; virāga vô tham; nirodha - diệt, sự chấm dứt, Nibbāna- tịch diệt, sự dập tắt, tắt ngấm. “Niết - Bàn là sự chấm dứt rốt ráo dục vọng, vứt bỏ nó, thoát khỏi nó, rứt ra khỏi nó”.
“Này các tỳ kheo, trong tất cả các pháp, dù là pháp hữu vi hay vô vi, pháp giải thoát ly tham là cao cả nhất. Ấy nghĩa là giải thoát kiêu mạn, diệt trừ tham, nhổ tận gốc sự chấp thủ, cắt đứt sự tiếp tục, dập tắt khát ái, giải thoát, chấm dứt, Niết Bàn”. (Anguttara- Nikàya, II.P.34).
Niết - bàn không phải là sự hủy diệt bản ngã, bỡi vì không có bản ngã nào để hủy diệt. Nếu có hủy diệt thì đó là sự hủy diệt của ảo tưởng, mà ý niệm sai lầm về bản ngã gây nên.
Niết - bàn là cảnh giới an lạc, giác ngộ và giải thoát, vượt ra ngoài lý luận phán đoán. Không thể lấy suy tư và ngôn ngữ thế tục để bàn luận, mà phải để cho khả năng trực giác trí tuệ siêu thế mới có thể ngộ nhập được Niết - bàn.
Nếu chúng ta biết nổ lực tinh tấn, đào luyện thanh lọc thân tâm được thanh tịnh, vậy thì chúng ta hãy giải thoát, thanh lọc tâm khỏi tham ái, dục vọng, ích kỷ, hận thù. Khi đó chúng ta có thể chứng Niết - bàn thực tại ngay trong tâm của ta. Radhakrishnan nói rằng: “Chừng ấy những chân lý của triết học sẽ được, không phải chứng minh mà trông thấy…trong khi di chuyển từ địa hạt trí thức qua phạm vi trực giác, không phải chúng ta tiến dần đến chỗ “phi lý tri” mà chúng ta bước vào nơi thâm diệu nhất của lĩnh vực thuần lý mà bản chất con người có thể đến. Trong đó, chúng ta thấy một cách chân thật hơn mà không phải giản dị đo lường sự vật bằng tiêu chuẩn cục bộ của trí thức”
Chân lý hạnh phúc không chờ đợi ở kiếp sau, và cũng không cần tìm kiếm một nơi nào khác, chân lý có thể hiện hữu ngay bây giờ và ở đây. Trong tất cả mỗi người ai cũng có một nguồn hạnh phúc chân thật, nhưng con người không biết nhìn nhận hạnh phúc này, mà đi tìm cầu cái hạnh phúc giả tạm kia. Vậy làm sao chúng ta có thể tìm lại hạnh phúc chân thật ấy?
Quả thật đời là một bể khổ chơi vơi, nỗi khổ chất chứa nhiều bí ẩn thâm sâu, tham ái dục vọng như là một chất độc không màu, không mùi vị, không có hình dáng nhất định. Tham ái luôn tồn tại trên cuộc đời một cách sâu lắng, thầm kín, nó dường như là ảo tưởng. Nhưng nó có thể giằng xé, vò nát tâm hồn của con người qua những đêm dài không ngủ, tham ái giống như một con vi khuẩn luôn cắn rỉa rút máu phá hoại cơ thể, khiến con người hằng ngày phải chịu đau đớn, tuyệt vọng vô bờ, như là một hơi thở dần dần bị cạn kiệt, bước chân người như mang đá nặng trên vai.
Con người có tâm tham ái giống như con vượn chuyền cây, như con ngựa rông đồng nội, chính vì nỗi khổ đau của cuộc đời Đức Phật mới thị hiện ra đời là một bậc thầy vĩ đại, lời giáo huấn của Ngài rất thực tế, rất khoa học. Ngài không chủ trương những lý thuyết, triết lý siêu hình, ngài chỉ dạy cho con người cái biết tối hậu và toàn diện đó là cái biết diệt trừ tham ái chấm dứt khổ đau, đem lại hạnh phúc tuyệt đối an lạc giải thoát tự tại trong cõi đời này. “Như Lai dấn thân vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc cho đời, vì an lạc cho chư thiên và loài người”.
Ngài ra đời chỉ rõ thực tế nỗi khổ của cuộc đời, rồi Ngài mới chỉ rõ nguyên nhân của khổ đau, tham ái chính là sản phẩm sinh ra khổ đau, chứ không phải một đấng Thượng Đế nào sắp đặt, ban phước hay giáng họa cho con người, tiếp theo là Ngài chỉ rõ cảnh giới hạnh phúc an vui, cảnh giới an lac hạnh phúc này là một sự hiển nhiên. Đã có khổ thì tương phản với cái khổ là cái vui, chứ không phải cái gì huyễn hoặc, sau cùng là Ngài chỉ dẫn chúng sinh con đường diệt khổ
Đức phật chỉ chúng ta thấy nỗi khổ của cuộc đời, không phải để ngồi đó than van, khóc lóc, bi quan yếm thế. Không phải bó tay trước cái khổ. Mà ta thấu rõ nỗi khổ của thế gian là ta thấy được giá trị của cuộc sống. Từ đó ta không còn ham muốn đấu tranh, giành giựt vì danh lợi, địa vị, không làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người lương thiện, biết được nguồn gốc của khổ, ta không còn tham đắm thả hồn phiêu bạt chạy theo đối tượng năm giác quan, hay là chạy theo dục trần để sa vào ngục tù luân hồi nguy hiểm, ý thức được rằng cuộc sống, chết, bấp bênh trong từng hơi thở. Từ đó ta biết quay về với thực tại cuộc sống thiểu dục, tri túc, (tức là ít ham muốn, biết đủ), cắt đứt mọi chuyện lo toan, vấn vương nợ đời. Càng ham muốn bao nhiêu càng đau khổ bấy nhiêu. Đức phật tuyên bố: “Người không biết đủ dù ở trên thiên đường vẫn không vừa ý, người biết đủ ít ham muốn dù nằm trên mặt đất vẫn thấy an vui”.
Nên nhận thức rằng mọi thứ tiền tài, của cải sự nghiệp và danh vọng chỉ là một giàn phương tiện để sinh hoạt cuộc sống chứ không phải cứu cánh của đời mình, đó là kinh nghiệm, là phương pháp để tháo gỡ mình ra khỏi vòng dây tham ái vô hình.
Đạo phật đem lại cho con người một sự tỉnh giác và trách nhiệm, hạnh phúc. Hay khổ đau trên cõi đời này đều do con người tạo tác, tịnh hay nhiễm đều do tâm. “không ai làm cho ta ô nhiễm, cũng không ai làm cho ta thanh tịnh trừ chính bản thân ta”. Có lẽ một ước mơ, một sự sống cân bằng tuyệt đối, một sự an toàn tuyệt đối chỉ là một ảo tưởng không bao giờ trở thành hiện thực, nếu người chưa đói bụng thì không thể ăn ngon miệng, nếu người chưa trải qua khổ đau thì làm sao cảm nhận được hạnh phúc an lạc, giải thoát khi diệt trừ tâm tham ái, Mặc dù Ta bà đau khổ nhưng ta phải thiết lập Tịnh độ ngay Ta bà, thành lập hạnh phúc trong khổ đau, để làm được điều đó có hai cách; phải có phật lực và tự lực.
Trong buổi đầu Phật Giáo phát triển, Ngài Nagasena chủ trương thuyết cứu độ qua cuộc vấn đạo của vua Milinda. Ngài Nagasena giải thích rằng: “Một hòn đá dù nhỏ cách mấy vẫn chìm trong nước, nhưng một tảng đá nổi trên nước đều đặt lên thuyền”. Ngài Negasena muốn nhấn mạnh yếu tố quyết định là khả năng cứu độ của Phật lực, trọng lượng khiến nó chìm là ví cho nghiệp lực, con thuyền là sự cứu độ phật lực. Nhưng để chuyển hòn đá lên thuyền được phải nhờ vào nổ lực của tự thân.
Do vậy, chúng ta phải biết quay về với cuộc sống tâm linh của mình, quay về với chính mình, tìm lại hạt minh châu tự tánh từ lâu chôn vùi dưới dòng sông ái dục, và cát bụi vô minh. Chúng ta phải tu tập và tỉnh thức mới đoạn trừ tham ái. Chứng Niết - Bàn vô sanh bất diệt.
“Mình ngọc vang đưa tiếng ảo huyền
Ở trong vẫn lộ tấm lòng thiền
Muôn ngàn cảnh giới đều là Phật
Nghĩ đến thì xa mấy dặm nghìn” ( Đạo Hạnh Thiền Sư )
Mumbai 09-12-2011
Viết bởi: Trí Giải
Chủ đề: , ,

5 comments

  1. Thầy viết bài này hay lắm ạ. Trên đời này có mấy ai chấp nhận là mình đang "tham ái" đâu.

    ReplyDelete
  2. BÀI NÀY VIẾT XONG LÀ ĐĂNG Ở ẨM THỰC CHAY TRƯỚC, HỌC PHẬT THÌ VIẾT LẠI CHIA SẺ PHẬT TỬ, THẤY VẬY CHỨ THẦY CÒN THAM NHIỀU THỨ LẮM, THAM HỌC CHO GIỎI, THAM NHIỀU NGƯỜI VÔ WEBSITE ĐỌC,..THAM MUỐN TU HÀNH CHO THÀNH ĐẠT, ....CÒN NHIỀU CÁI THAM LẮM

    ReplyDelete
  3. Con nghe nói tham cái gì thì cho ra cái đó. Tham học cho giỏi thì học được gì chia sẻ với người khác, tham nhiều người vô website đọc thì khi viết bài mới post vô Ẩm thực chay trước, tham tu hành cho thành đạt thì dạy người khác tu... Hehehe, thích nhất là khi viết bài mới thì post vô Ẩm thực chay trước. Mà mấy cái tham của Thầy toàn là tham tốt không mà.

    Con có nhiều cái tham xấu lắm như là... Thôi không dám nói đâu, quê chết :))

    ReplyDelete
  4. Kể bà kon nghe đi, kakka bà con trong nhà hết mà, có ai xa lạ đâu...
    Mấy bài này là lúc ôn thi vào Học Viện Vạn Hạnh giờ post chia sẻ quý Phật tử, Thầy đâu có rảnh ngồi đó viết kakakka
    Lúc học ôn viết nhiều bài giờ có đăng website .....Bây giờ làm biếng viết thích đố vui chọc bà con cười té ghế, kakaka
    Hôm bữa đố thiền vipassana, và tịnh độ cười gần chết, cấm người ta nói chỉ có mình được nói vậy mà không ai phát hiện được
    cái này bắt chước câu chuyện đố bạn con gì bắt chuột thường kêu ngao ngao.......cấm bạn nói con mèo, con miêu,....con mão.....
    người kia đâu biết trả lời con gì? bỏ, thì người trả lời thì con mèo chứ con gì? hỏi sao nói cấm nói con mèo mà, thì cấm bạn đâu cấm tôi nói con mèo đâu....kakakak

    ReplyDelete
  5. Tham cái gì thì cho cái ấy, Thầy nhìn vào website này thì Thầy biết con tham cái gì rồi, huhuhu, xấu hổ quá...

    ReplyDelete

Lên đầu trang