Chia sẻ: Người bán rau Đài Loan làm từ thiện

GNO - Mỗi ngày trong bốn thập niên qua, bà Chen Shu-Jiu (60 tuổi) đều thức dậy lúc 2 giờ 30 sáng để chuẩn bị cho gian hàng của mình tại một khu chợ tấp nập ở Đài Đông, một quận phía đông của Đài Loan. Với hàng hóa tươi ngon gồm khoảng một trăm giống rau các loại chất cao chót vót quá đầu và bà làm việc ở đây cho đến khi chiều tối.

Sau một ngày làm việc mệt nhoài tại chợ, bà Chen trở lại ngôi nhà khiêm tốn của mình và lắng nghe những lời dạy của Đức Phật trên radio trước khi đi ngủ.

Nguoi ban rau lam tu thien.jpg
Bà Chen, người Phật tử thuần thành với mật hạnh Bồ-tát

Với lối sống giản đơn, bà Chen trong những năm qua đã dâng tặng khoảng 7 triệu đôla Đài Loan (khoảng 234.000 USD) trong khoản thu nhập khiêm tốn của mình cho các tổ chức từ thiện chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Tấm lòng rộng lượng lớn lao của bà Chen đã được quốc tế vinh danh. Bà đã được đánh giá là một nguồn cảm hứng và đóng vai trò là một hình mẫu; bà đã đi nhiều nơi, bước trên thảm đỏ và gặp gỡ các vị khách VIP như Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu và cựu Thống đốc bang Alaska Sarah Palin.

“Tôi chỉ là một người bán rau”

Hôm thứ Sáu (31-8), bà Chen đã nhận Giải thưởng Ramon Magsaysay, tặng cho những người có những đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề về phát triển con người ở châu Á bằng lòng can đảm, sự sáng tạo và những đóng góp đã làm thay đổi xã hội theo chiều hướng tốt hơn.

Bà Chen và 5 người đoạt giải năm 2012 đã nhận được giải thưởng trong các nghi lễ tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Philippines tại Thành Phố Pasay.

Tuy nhiên, bà Chen khiêm tốn tỏ ra không quan tâm đến giải thưởng và bà nói rằng mình chỉ là một người bán rau bình thường mà thôi.

Bà cho biết rằng bà không muốn rời xa gian hàng của mình, gian hàng mà bà đã đảm trách sau khi cha bà qua đời cách đây 20 năm.

"Tôi không cảm thấy mình là một người hùng hay một người nào khác bởi vì tôi không cảm thấy rằng tôi đã làm được nhiều điều. Tôi chỉ cảm thấy mình vẫn là người cung cấp rau tại chợ", bà Chen nói, thông qua một phiên dịch.

Lòng vị tha thuần khiết

Tuy nhiên, đối với người khác, đặc biệt là những người xúc động trước lòng vị tha của bà thì bà đã làm được những điều tuyệt vời xứng đáng là một hình mẫu và cần được khen ngợi.

Khi chọn bà Chen để nhận giải thưởng năm nay, Quỹ Ramon Magsaysay cho biết họ "công nhận lòng vị tha thuần khiết của bà trong công tác từ thiện, trong đó phản ánh sâu sắc lòng từ bi tĩnh lặng, sự nhất quán, và đã làm thay đổi cuộc sống của rất nhiều người Đài Loan mà bà đã giúp đỡ bằng trái tim vị kỷ".

Trong hai thập kỷ qua, bà đã quyên góp gần như tất cả các khoản thu nhập cá nhân cho một tu viện Phật giáo, chùa Phật Quang Sơn, để giúp nhà chùa tài trợ cho một trường học, và một trại trẻ mồ côi (trại mồ côi Kids Alive International), một tổ chức Ki-tô giáo giúp đỡ trẻ mồ côi và trẻ em dễ bị tổn thương, cung cấp cho họ thực phẩm, giáo dục, nhu cầu tinh thần và tình cảm.

Ngoài ra, bà cũng đã đóng góp cho ngôi trường cũ mà bà từng theo học, Trường Tiểu học Nhân Ái, trong việc thành lập một thư viện được trang bị đầy đủ.

Một cuộc sống giản đơn

Nhưng làm thế nào mà một người bán rau thông thường, lời lãi không là bao, lại có thể cho nhiều người như vậy?

Đối với bà Chen, câu trả lời rất đơn giản: chỉ sống dựa vào những thứ cơ bản nhất.

Bà nói rằng 100 đôla Đài Loan (khoảng 3 USD) là tất cả những gì bà cần mỗi ngày cho thực phẩm và các thứ cần thiết khác. Phần còn lại, bà cho đi.

"Nếu giữ quá nhiều tiền trong túi, bạn sẽ có rất nhiều cám dỗ để chi tiêu nó! (vào những thứ bạn không cần)", bà vừa cười vừa nói.

Ngay cả trước khi nhận được giải thưởng với khoản tiền mặt 50.000 USD kèm theo giấy chứng nhận Ramon Magsaysay và một huy chương mang chân dung của vị Tổng thống Philippine gần đây, bà đã quyết định tặng số tiền thưởng đó cho một bệnh viện công ở Đài Đông cho công trình xây dựng một đơn vị chăm sóc chuyên sâu.

Khi trở về nước, bà sẽ đích thân thực hiện việc trao tặng tại Đài Bắc, nơi mà các chi nhánh chính của Bệnh viện Mackay Memorial tọa lạc. Nó chỉ là một bệnh viện phục vụ cho việc giảng dạy đại học ở Đài Đông.

Bài học đầu đời

Là con gái lớn của một nhà cung cấp rau củ làm việc chăm chỉ để nuôi sống một gia đình có 8 miệng ăn, bà Chen đã học được giá trị của sự kiên trì và sự hi sinh từ rất sớm.

Khi mới 13 tuổi bà đã phải đối mặt với những thiếu thốn trong cuộc sống.

Năm 1964, mẹ bà bị biến chứng thai kỳ và người cha đã vô vọng gõ cửa hàng xóm để vay tiền chữa trị. Dù cha bà đã tìm mọi cách nhưng đã không đủ khả năng để cứu được mẹ của bà.

Sau cái chết của mẹ mình, bà Chen đã phải nghỉ học để giúp cha bán rau ở chợ. Lúc đó bà vừa hoàn thành lớp 6.

"Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy như mọi người đã coi thường đối với người nghèo và số tiền đó rất là quan trọng và rất hữu ích vì vậy tôi cảm thấy tôi phải làm tất cả mọi thứ mà tôi có thể để kiếm nhiều tiền hơn", bà nói.

Với 5 đứa em cần sự hỗ trợ, bà đã không ngần ngại từ bỏ việc học của mình.

Cử chỉ hào phóng không vụ lợi

"Tôi không thực sự nghĩ về bản thân mình vào thời điểm đó. Tất cả những gì tôi biết là tôi phải giúp đỡ bằng mọi cách mà tôi có thể để cung cấp cho gia đình tôi bởi vì tôi có nhiều em trai và em gái mà tôi cần phải chu cấp", bà Chen, người chưa từng kết hôn bao giờ, nói.

5 năm sau, một thảm kịch khác lại xảy ra cho gia đình. Một người anh em trai của bà mắc một căn bệnh và đã làm cạn kiệt nguồn tài chính vốn đã ít ỏi của gia đình. Gia đình không thể đủ khả năng để chi trả cho việc chăm sóc y tế của cậu ta.

Sau khi tìm hiểu về cảnh ngộ của gia đình bà Chen thông qua một tờ báo địa phương, các giáo viên và các bạn cùng lớp ở trường cũ của bà bắt đầu gây quỹ để giúp đỡ điều trị y tế cho em trai bà. Tuy nhiên, việc điều trị quá tốn kém. Sự đóng góp đó không thể cứu mạng sống của em trai bà.

Bà Chen giữ sâu trong lòng hành động quảng đại bất ngờ của các giáo viên và các bạn cùng lớp của mình. Bà rút ra được sức mạnh và cảm hứng mỗi ngày từ cử chỉ đó trong cuộc sống của mình.

"Đó là bởi vì tôi đã nhận được sự giúp đỡ khi tôi còn trẻ vì vậy bây giờ tôi luôn luôn nghĩ đến người khác trước khi tôi nghĩ về bản thân mình", bà nói.

Văn Công Hưng (Theo Philippine Daily Inquirer)
http://www.giacngo.vn/phatgiaonuocngoai/2012/09/07/3E4612/
Chủ đề: , ,

2 comments

  1. Đọc câu chuyện này xong sao CN thấy giống 1 người qúa đó Hai ....hihi....

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mình mà làm được 1 chút hạnh của bà Chen là cũng tốt lắm rồi, không làm được hết như bà đâu. Nhưng hoan hỷ với việc thiện của bà thì cũng là có phước như người làm rồi :)

      Delete

Lên đầu trang