Chánh Nghiệp Và Tà Nghiệp - Đời Tươi Tựa Hoa Xuân

Chánh nghiệp là hành động đúng theo lẽ phải, đưa người sanh về cõi thiện hay vun bồi thêm công đức cho đến ngày giải thoát. Những hành động không phạm vào sự sát sinh, trộm cắp và tà dâm là những biểu hiện của chánh nghiệp. Ý thức những khổ đau do sự sát hại gây ra, con nguyện không tham gia giết hại sinh mạng, không cổ xúy cho sự giết hại sinh mạng, không khen ngợi việc giết hại sinh mạng. Đồng thời con quyết tâm thực tập bảo vệ sự sống của các loài sinh vật, con người, môi trường và lên tiếng bảo vệ sự sống muôn loài. Ý thức những khổ đau do việc mất mát tài sản gây ra, con nguyện không lấy của không cho, không cổ xúy cho sự lấy của không cho và không khen ngợi việc lấy của không cho. Đồng thời con quyết tâm thực tập tôn trọng quyền tư hữu, không làm giàu bất chính và không tư lợi dựa trên sự khổ đau của kẻ khác. Ý thức những khổ đau do tà dâm gây ra, con nguyện không ăn nằm với người không phải là chồng hay vợ của mình, không cổ xúy dâm dục và không khen ngợi dâm dục. Đồng thời con quyết tâm thực tập thân tâm, lựa chọn sống trong môi trường trong sạch, sử dụng các phương tiện một cách trong sạch và tiếp xúc với những nhóm người cam kết lối sống trong sạch.

         Kiến thức khoa học chưa chắc giúp phát triển được chánh nghiệp nhưng đạo đức học phần nào góp phần xây dựng chánh nghiệp. Ngày nay, đạo đức có thể bị bóp méo hay ảo đi nhiều nên người thực tập cần sáng suốt lựa chọn con đường đi. Việc giữ giới không làm đánh mất tự do, ngược lại làm phát triển tự do và bảo vệ hạnh phúc, nên không phạm giới để hạnh phúc thêm dài lâu. Đứa Phật dạy, Do cư xử mà các bậc hiền trí soi sáng tâm và trí tuệ bừng dậy. Tâm không ô nhiễm, hành động không ô nhiễm, tâm và hành động sạch đến nỗi, người khác sử dụng nó làm tấm gương để soi rọi vào. Người thực tập chánh nghiệp đích thực là bậc hiền trí vì không sa đọa vào những đường ác đạo, hơn nữa thấy được hạnh phúc chân thực là lối sống bình dị, bố thí và biết giữ gìn. Gần gũi các bậc hiền trí để học các hạnh hiền trí, nâng cao khiêm cung, từ tốn và sống chậm. Nhìn cách cư xử biết nhân cách của một người. Cách cư xử bao dung, tha thứ, hiền lành là biểu hiện của nhân cách từ bi, biết tu tập. Cách cư xử lên án, chỉ trích, dữ dằn là biểu hiện của nhân cách xấu ác, không biết tu tập. Muốn rèn luyện nhân cách, mình thực tập sự kiềm chế và tiết chế. Kiềm chế trước đòi hỏi của ngã mạn, muốn lấp đầy hay u mê tối tăm. Tiết chế trước những đòi hỏi về dục tình, chiếm đoạt và ba hoa. Kiềm chế được thì thân tâm thảnh thơi và tiết chế được thì thân tâm an lạc. Thân tâm nhiều lúc hành xử như con ngựa hoang hay con voi hoang, không biết tự chủ, để bị sai sử bởi tà dục. Tính ngựa hoang và voi hoang không được thuần phục, chúng sẽ trở thành những con mãnh hổ rất khó điều phục. Nhưng chỉ bằng một sợi tơ sen, mình có thể trói chặt con mãnh hổ nhờ theo dõi hơi thở hay đề mục thiền quán. Hơi thở ví như sợi tơ sen và theo dõi hơi thở là sử dụng sợi tơ sen trói mãnh hổ.

       Nghiệp là sự thật căn bản chi phối đời sống của chúng sinh nói riêng và vũ trụ nói chung. Gieo nghiệp thiện sẽ gặt hái quả thiện, gieo nghiệp ác thì gặt hái quả ác và không còn gieo nghiệp gì nữa, người mau chóng giải thoát. Sống cuộc đời thuần lương thì trước sau gì cũng gặp chuyện thuần lương nhưng ước nguyện như vậy vẫn còn phàm phu. Nếu phát nguyện bao nhiêu chuyện thuần lương đã làm từ những kiếp xa xưa đến nay để mong gặp Phật Pháp, tu tập nhiều thành tựu và mau chóng đạt quả vị giải thoát. Đời sống thuần lương là siêng năng làm điều thiện, tránh xa điều ác. Điều ác làm dễ nhưng điền thiện làm khó. Làm được điều thiện mà không kể công cũng khó. Không kể công được thì có chi gọi là điều thiện nữa. Soi lại những kiếp quá khứ mà mình đã làm hoàn toàn không khó, chỉ cần xét nhìn quả mình đang thọ hưởng. Quả hiện tại dễ chịu chứng tỏ quá khứ đã có đời sống thuần lương. Muốn soi kiếp tương lai cũng hoàn toàn không khó, chỉ cần xét nhân gieo hiện tại. Hiện tại sống đời thuần lương thì chắc chắn tương lai sẽ hưởng đời thuần lương. Thuần lương là lương thiện liên tục, làm những việc không khiến lương tâm bị tổn thương và cứ thế không ngừng nghỉ. Thế giới hiện đại này là thế giới trả nghiệp nhiều hơn và từ những nghiệp đang trả lại tiếp tục gieo tiếp nghiệp mới nên việc giải thoát ngày càng xa vời, minh chứng cho những khổ đau chồng chất. Nếu trước khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 diễn ra, số người đói là 400 triệu thì sau khủng hoảng, số người đói đã là một tỷ. Điều này nói lên con người sinh ra vừa khổ đau vừa may mắn. Khổ đau vì trả nghiệp triền miên và may mắn vì nhờ mang thân người mà lo tu tập. Mình phải có trách nhiệm với suy nghĩ, hành động và lời nói của mình. Người có trách nhiệm sẽ ngay lập tức hành chánh tư duy, chánh nghiệp và chánh ngữ. Người không có trách nhiệm không làm được những việc này và không có trách nhiệm đồng nghĩa với khổ đau. Mình đang bị tổn thương và chịu không nổi nên muốn người khác bị tổn thương với mình. Mình bán cái trách nhiệm của mình đi rồi. Vì trách nhiệm đời người lớn lao, mình trao dồi đức hạnh, không gây tổn thương cho ai và trước hết là cho mình. Dĩ nhiên, bảo toàn mình không bằng cách làm hại người khác. Thường xuyên chỉnh đốn và soi sáng bản thân. Không ai dám chắc rằng cả đời không làm hại ai, không nghĩ hại ai hay nói lời hại ai. Ngay cả suy nghĩ vi tế cũng có những suy nghĩ tàn hại. Nếu ngồi quán chiếu lại những gì mình làm từ trước tới giờ, chắc chắn mình chỉ muốn quỳ xuống sám hối mà thôi. Mình thường có khuynh hướng chạy theo tâm xà, rồi khẩu xà, rồi hành động xà, hơn là thực tập tâm Phật, khẩu Phật và hành động Phật, trong khi tâm Phật, khẩu Phật, hành động Phật là khả năng vốn có.

         Siêng năng làm điều thiện luôn là lời dạy của các bậc hiền trí. Siêng năng không làm điều bất thiện cũng có nghĩa siêng năng làm điều thiện. Người trẻ không biết nương tựa vào đâu nên nương tựa vào những điều sai lệch, vì vậy không nương tựa vào điều sai lệch đã là điều may mắn. Quán chiếu bản thân để thấy mình cần lười biếng điều gì và siêng năng điều gì. Lười biếng với điều bất thiện và siêng năng với điều thiện. Chánh nghiệp là siêng năng chân chính ở hành động thiện và tu tập là một trong những hành động thiện tối thượng. Khi hành động thì phải đến nơi đến chốn, không nửa vời, không hời hợt, không làm cho có. Sự lười biếng sẽ đẩy người xuống địa ngục rất mau vì khả năng thờ ơ với thực tại tăng vọt. Khổ đau cũng thờ ơ và hạnh phúc cũng thờ ơ. Chính sự thờ ơ này khiến mình xa rời sự sống.

         Cuộc đời này tươi tợ hoa xuân, đẹp và mỹ miều như hoa mùa xuân đang nở, cho dù đó là hạ, thu hay đông. Tôi đem bài kệ này để trên facebook với tựa đề kệ về Xuân, nhưng thật tiếc là rất ít người thấm nhuần triết lý xuân. Xuân chỉ là tên gọi và với người có tâm xuân thì dù hạnh phúc hay khổ đau thì xuân vẫn hiện tiền đấy thôi. Hạ là xuân, thu là xuân và đông cũng xuân. Tính xuân không biểu hiện ở thời khắc giao mùa của năm mới mà xuân này ở trong tôi, bao la và vĩnh cữu. Xuân đâu chỉ gói gọn trong lúc hoa mai nở đầu năm. Năm hết tết đến, mình trở về nhà, chúc tết ông bà, cha mẹ. Nhưng đừng có đợi đến tết mới cầu mong người thương nhiều sức khỏe bình an. Mỗi ngày hãy đi thăm ông bà thăm cha mẹ. Ông bà cha mẹ đang ở trong mình, mình thăm họ là thăm chính mình đấy thôi. Mình ơi, mình có khỏe không, mình có bình an không, hay bấy lâu nay mình đang rong ruổi để cho mình cô đơn héo úa, để cho ông bà cha mẹ cô đơn héo úa. Ngày nào cũng là xuân nên ngày nào cũng thăm ông bà cha mẹ, nhất là thăm mình. Để những ngày xuân trôi qua uổng lắm. Mình đang còn xuân thì sử dụng sắc xuân mà tô đẹp cho đời, đừng vướng vào những tình yêu nhỏ bé, những hành động thiếu chân chính để khi tuổi xuân qua đi, mình không ngồi hối tiếc sao thời trai trẻ trôi qua quá mau. Nhưng đã là tuổi xuân thì có bao giờ già, dù mình 20, 30, 50, 60 hay thậm chí 80. Nếu may mắn sống đến 90 thì vẫn còn xuân chán. Một bài hát có câu, Xuân đến xuân đi xuân lại tới, vì dù rằng mình có trôi qua nhiều mùa xuân, xuân vẫn như thế. Tâm xuân không phân biệt tuổi tác mà xuân càng lớn lên, người vẫn thấy thanh xuân, gừng càng già càng cay mà. Tâm xuân thì nhìn đời, nhìn đâu đâu vẫn thấy xuân. Tâm xuân nên nói lời xuân, hành động xuân. Ngày tết, ông bà hay dặn nói lời vui vẻ, không được nới những lời xấu, tức là nói lời xuân thôi, mình hãy áp dụng lời dạy mà nói lời xuân quanh năm. Ngày tết, cha mẹ dặn đi đứng cẩn thận, đi chùa, nghe pháp thoại, cúng dường trai tăng, tập thiền, giúp đỡ người nghèo khó, chia sẻ điều lành…, mình hãy áp dụng lời dạy mà hành động xuân quanh năm. Ngày xuân, ai cũng nở nụ cười xuân, mình hãy đem nụ cười này quanh năm. Đừng để mùa hè nắng gắt làm khô héo, đừng để mùa thu rơi rụng làm cô đơn, đừng để mùa đông băng giá làm lạnh lẹo. Dù mùa nào vẫn phải tu, vẫn phải hành động chân chính. Lúc nào cũng thế thì xá chi sự khác biệt của thời tiết, mùa nào cũng xuân như hành động nào cũng chân chính thì xá gì trả nghiệp.

        Tà nghiệp là những hành động phạm giới, dù ít hay nhiều dẫn đến sự bất tịnh nơi thân tâm do tưởng điên đảo mà ra. Hành động từ chối nghe pháp thông qua lời nói cũng là tà nghiệp, đơn giản mình đã từ chối làm điều thiện. Hành động quá dựa dẫm vào khoa học mà phỉ báng hành động dựa dẫm việc thực tập hạnh phúc Phật giáo đích thực là tà nghiệp. Quyết định do niềm tin sai lệch sẽ đưa đến đụng chạm, thương tổn, sầu muộn, phiền não và khổ đau. Những hành động được xem như tà nghiệp liên quan đến việc nam nữ đánh nhau, xem quân trận, xem súc vật hay người đánh đấu nhau, xem hát, nghe nhạc với nội dung kích động, làm tay sai cho kẻ khác, khen ngợi sự phạm giới, thậm chí mưu cầu sự phạm giới, sử dụng tà ma để xúi giục người phạm giới, khen chê pháp thoại, khen chê người nghe pháp thoại, chất chứa những phương tiện gây tàn hại… Tà nghiệp sẽ tạo nghiệp xấu và nghiệp xấu khiến người sinh về cõi xấu, còn lâu mới nhìn thấy bản thể của tâm, tức là khó thấy tính vô thường, vô ngã, tính bất định của tâm và dĩ nhiên làm sao tâm sáng trong, thanh tịnh.         

         Sự nghiệp của người tu là tìm về bản thể trong sáng của tâm và không còn khổ đau nữa. Đã chánh nghiệp thì chỉ hành động mang lại hạnh phúc. Với Bồ tát Quán Âm, người hành động lắng nghe. Với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, người hành động nhìn sâu phát khởi trí tuệ. Với Bồ tát Địa Tạng, người hành động theo hạnh của đất. Tất cả đều là chánh nghiệp, hành phụng sự mang lợi ích đến chúng sinh, xây dựng mùa xuân hiện tiền vĩnh cữu. Hành động thành công là mang hạnh phúc đến cho mình và người và đó phải là hạnh phúc đích thực. Sự thành công không nằm ở yếu tố chỉ số theo kiểu chỉ số thông minh, chỉ số phát triển kinh tế hay chỉ số trong tài khoản ngân hàng mà thành công được đo lường ở phẩm chất của hạnh phúc do phẩm chất hành động mang tới. Giàu có chánh nghiệp là làm giàu chân chính, người biết mưu cầu hạnh phúc. Bố thí chánh nghiệp là bố thí hạnh phúc, làm cho tiếng cười vang mãi, niềm tin chói sáng và an lạc dài lâu. Học và hành tám con đường chân chánh là bố thí hạnh phúc, không cần tiền bạc, không cần quá nhiều công sức. Giống như ngồi yên và dừng lại. Ngồi yên là tâm ngồi yên không rong ruổi trong quá khứ, không mơ tưởng về tương lai. Dừng lại là không phóng tâm, không đòi hỏi, không kỳ thị. Gìn giữ bản thân đã là hành động chánh nghiệp cao cả, chưa làm gì nhiều, mình đã cống hiến hạnh phúc cho xã hội. Hãy làm một mùa xuân, mùa của giải thoát, mùa của an lạc.

Đời tươi tợ hoa xuân

Đây đạo lý thấm nhuần

Hạnh phúc hay đau khổ

Đời này vẫn còn xuân.

Xuân qua xuân lại tới

Rộn rã như gọi mời

Có chi mà phải đợi

Đây hiện tại bình yên.

Sự sống như thần tiên

Ôi lời mẹ dịu hiền                         

Bước đi như dừng lại

Hoa nở khắp mọi miền.

http://damlinhthat.net/nhung-trai-tim-dong-dang/16-chanh-nghiep-va-ta-nghiep-doi-tuoi-tua-hoa-xuan

Chủ đề: ,

0 comments

Lên đầu trang