Phật Pháp: Bài Pháp của Ni Sư Hạnh Nghiêm, 06/14/2008

Từ Quê Hương Cực Lạc
Tĩnh Am Đại Sư
Tổ thứ 11 trong Liên Tông, họ Thời, tự Tư Tề, xứ Thường Thục. Xuất gia 7 tuổi, thọ đại giới 24 tuổi. Thiền, giáo, tánh, tướng đều thông. Ở chùa Chân Tịch, duyệt Tạng kinh, niệm Phật: qua 3 năm, biện luận như thác đổ. Đến chùa Dục Vương lễ tháp, cám ơn xá lợi phóng quang, nhân đó soạn ra sám Niết Bàn và văn Khuyến phát Bồ Đề tâm, người đọc phần nhiều rơi lệ. Về già về chùa Phạm Thiên, Hành Châu, kết liên xã. Mùa đông Ung Chánh thứ 11, dự biết ngày 14 tháng 4 năm sau vãng sanh. Đến ngày, ngài nói: "Mười hôm trước ta đã thấy Phật, nay lại được thấy". Nói xong, niệm Phật mà qui Tây.

Đại Sư nói:
*Một chữ nguyện bao gồm cả tín và hạnh. (Lời giảng nhưng không ngược lại vì nguyện muốn về Cực Lạc là đã có tín rồi mới hành. Có nhiều người tín, hành nhưng không nguyện về, thì sẽ không được về)
Tín:
Tự: tin tất cả do tâm tạo ra, mình niệm Phật sẽ có Phật tiếp dẫn.
Tha: tin Phật Thích Ca không nói dối, Phật Di Đà không nguyện suông.
Nhân: tin niệm Phật là nhân vãng sanh, giải thoát.
Quả: tin sự vãng sanh, thành Phật là kết quả.
Sự: tin cảnh giới Tây phương tất cả sự tướng đều có thật.
Lý: tin lý tánh duy tâm bao trùm Phật độ. (Tự tánh là Di Đà, tâm tịnh là cõi tịnh).
Mọi điều trên đều xác thật nên gọi là không hư dối.
Hạnh: chuyên trì danh hiệu không xen tạp, không tán loạn.
Nguyện: mỗi tâm ưa thích, mỗi niệm mong cầu.
Trong ba điều kiện nầy,người tu tịnh nghiệp cần phải đủ, không thể thiếu một, mà nguyện là điểm cần yếu. Có thể có tín, hạnh mà không có nguyện, chưa từng có nguyện mà không tín, hạnh.
*Niệm Phật mà không phát lòng bồ đề, thì không tương ưng với bổn nguyện của đức Di Đà, tất khó vãng sanh. (tâm lợi mình, lợi người, trên cầu thành quả Phật, dưới nguyện độ chúng sanh). Tuy phát lòng bồ đề mà không chuyên niệm Phật cũng không được vãng sanh. Nên phải lấy sự phát lòng bồ đề làm chánh nhân, niệm Phật làm trợ duyên, rồi sau mới cầu sanh Tịnh Độ. Người tu tịnh nghiệp cần phải hiểu biết điều nầy.
*Niệm Phật cũng có ma sự, do bởi ba nguyên nhân:
1. Không rõ giáo lý: (có nhiều người nói tui tu tâm, biết tâm ở đâu mà tu. Khi phiền não nghe lời Phật dạy thì tỉnh giác hiểu rằng là sự thử thách, nếu không học giáo lý thì buồn hoài. Gặp cảnh phải động vì do phàm phu nhưng nhờ giáo lý thì buông xả. Nhiều khi phải mang ơn người thử thách vì đó là thiện tri thức. Nếu tu mà không học giáo lý thì tu không nổi đâu)
2. Không gặp thầy bạn tốt:
3. Không tự xét lấy mình: điều rất cần yếu. Không phải 1 chút phước lành, chút công hạnh lơ là mà được; muốn thoát sự khổ sống chết luân hồi trong vạn kiếp, không phải dùng tâm dần dà, chờ hẹn, biếng trễ mà được! (nếu không chuẩn bị trước sẽ sanh tâm hốt hoảng, nếu hốt hoảng sẽ bị đoạ. Người già thường bị con cháu lôi kéo, nên đừng bao giờ hẹn rằng để con tui cưới gả xong, tui sẽ tu; xong để tui phụ giữ mấy đứa cháu cho tui nó lớn chút nữa rồi tui sẽ tu; con xong tới cháu, cháu xong tới chắt...) Cơn vô thường mau chóng, mới sớm kế lại chiều, đâu nên không siêng năng lo dự bị trước ư? Còn e sức chí nguyện không thắng nổi sức tình ái, tâm niệm Phật không thắng nổi dục trần (tiền tài, sắc đẹp như nhan sắc quần áo nữ trang, danh vọng, thực (ăn), thì (ngủ), những kẻ cứ mãi lơ là biếng trể, nửa tin nửa nghi, thì ta cũng đành không biết làm sao vậy! (Niệm Phật không có kết quả kiếp sau hưởng phước, kiếp sau nữa sẽ bị đoạ)

Kệ rằng:
Nam Mô A Di Đà,
Người nào không biết niệm?
Tuy niệm, chẳng tương ưng,
Mẹ con khó hội kiến!
Khi đi, đứng, ngồi, nằm,
Đem tâm nầy thúc liễm,
Mỗi niệm nối tiếp nhau,
Niệm lâu thành một phiến.
Như thế, niệm Di Đà,
Di Đà tự nhiên hiện!
Quyết định sanh Tây phương.
Trọn đời không thối chuyển!


Chủ đề:

0 comments

Lên đầu trang