Truyện: PHẬT & ĐỐNG PHÂN – câu chuyện Tô Đông Pha và Thiền Sư Phật Ấn

 

LỜI DẪN

Những mẫu chuyện thiền xung quanh mối thâm tình của Thiền Sư Phật Ấn và nhà thơ Tô Đông Pha rất nổi tiếng và được lưu truyền trong dân gian rất nhiều. Chuyện thực hư thì chưa có ai kiểm chứng nhưng điều chắc chắn là Tô Đông Pha và Thiền Sư Phật Ấn đều là những nhân vật có thật và tài hoa trong lịch sử.
Tô Đông Pha (1037-1101) tên là Tô Thức tự Tử Chiêm, hiệu là Đông Pha Cư Sĩ nên dân gian thường gọi là Tô Đông Pha. Ông là nhà văn nhà thơ, nhà văn, nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được liệt vào hàng Bát Đại Gia Đường Tống. Là người tài hoa làm hơn 1700 bài thơ, văn phú tính đi tính lại hơn 1 triệu chữ, thư họa vào hàng thượng phẩm rất có giá trị. Đương thời ông làm quan yêu thương dân, chính trực và có nghiên cứu Phật giáo sâu sắc. Tô Đông Pha hay tham vấn với Thiền sư Phật Ấn ở chùa Kim Sơn. Sử ghi lại thiền sư Phật Ấn không nhiều chỉ biết Thiền sư hiệu Liễu Nguyên là cao tăng đương thời với Tô Đông Pha. Sư tịch năm 1098 khi đang cùng khách đối ẩm.
Câu chuyện Phật và Đống Phân (NAL đặt tựa) là câu chuyện không mới, dị bản có rất nhiều, triết lý của nó cũng chẳng có gì cao siêu. Nhưng cái quan trọng là ở điểm sau khi hiểu chúng ta đã thực hành nó trong cuộc sống như thế nào. XIn mời bạn đọc cùng xem và suy ngẫm.

CÂU CHUYỆN

Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn là đôi bạn thân. Một hôm, Tô Đông Pha đến chùa Kim Sơn viết thăm Thiền sư Phật Ấn đàm đạo cả ngày, bấy giờ Tô Đông Pha mới hỏi Thiền sư Phật Ấn rằng:
- Bạch Đại sư! Ngài ngồi đây nhìn thấy tôi giống cái gì?
Thiền sư Phật Ấn trả lời một cách trang nghiêm và trân trọng
- Xem ra giống một vị Phật!
Trong tâm của Tô Đông Pha nghe vậy hớn hở vui mừng, Thiền sư Phật Ấn mới hỏi lại Tô Đông Pha
-  Ông thấy ta ra sao? Bấy giờ Tô Đông Pha nhìn thấy Thiền sư Phật Ấn mập tròn bèn đáp
-  Nhưng mà tôi nhìn Ngài giống một đống phân
Thiền sư Phật Ấn mới bảo rằng:
-  Ũa vậy à!!! Tô Đông Pha sung sướng tươi cười cứ nghĩ là mình đã chiến thắng, trong lòng rất sung sướng cho là mình đã chiến thắng. Tô Đông Pha mới hỏi Thiền sư Phật Ấn rằng:
-  Ngài tôn tôi là Phật, nhưng tôi nói Ngài là một đống phân, Ngài không giận sao? Thiền sư Phật Ấn trả lời rằng:
-  Tôi nên vui mừng mới đúng làm sao mà nổi giận được,
-  Tô Đông Pha hỏi tại sao?
Thiền sư Phật Ấn trả lời
-  Bởi vì mình là Phật nên nhìn người khác là Phật, chính mình là đống phân thì nhìn người khác đống phân mà thôi.

LỜI BÌNH

Xem qua câu chuyện tình bạn giữa Thiền sư Phật Ấn và Tô Đông Pha, người viết xin chia sẻ bình luận lời khai thị của Thiền sư Phật Ấn trong câu chuyện “Bởi vì mình là Phật nên nhìn người khác là Phật, chính mình là đống phân thì nhìn người khác đống phân mà thôi.
Trong cuộc sống, tâm của chúng ta như thế nào nhìn vạn vật và người khác như thế ấy, “tướng tự tâm sinh.” Trong tâm thức của con người (A-lại-da-thức) có ba ngăn chứa những hạt giống chủng tử thiện, ác, và vô ký.
Trong đó, hạt giống thiện để thành Phật tác Tổ, hạt giống ác để hại người khác làm lợi cho mình. Nếu bạn dùng tâm ganh tỵ, ích kỷ, hơn thua, ganh ghét, giận hờn, thị phi, mắng chửi, người khác, những hạt giống này (như “phân”) phát sinh ra từ tâm thức của bạn, thì bạn cũng giống Tô Đông Pha nói Phật Ấn là “phân”, vì thế đức Phật dạy rằng:
“Tâm dẫn đầu các pháp 
Tâm làm chủ tạo tác 
Nếu nói hay hành động 
Với tâm niệm bất tịnh 
Khổ não liền theo sau 
Như xe lăn bò kéo”
 
(kinh pháp cú)
Khi bạn mắng chửi người khác tức là mắng chửi bản thân của bạn. Tại sao chúng ta không sống với cái tâm Từ bi, Hỷ, Xả, như Thiền sư Phật Ấn với những hạt giống thương yêu, những lời nói chánh niệm và sẵn sàng cảm thông, tha thứ những người tạo lỗi lầm phỉ báng mình. Khi bạn trang bị cho mình đôi mắt Chánh kiến thì bạn nhìn ai cũng dễ thương, và bạn hãy trang bị tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả giúp cho bạn xóa bỏ hận thù.
“Hắn mắng tôi đánh tôi 
Hắn hạ tôi, cướp tôi 
Ai xả niềm hận ấy 
Hận thù tự nhiên nguôi” 
(kinh pháp cú)
Cho nên tâm của mình như thế nào nhìn ra thế giới bằng thế ấy khi “thương thì thương cả đường đi, ghét thì ghét cả tông ti học hàng” khi “thương trái ấu cũng tròn, khi ghét bồ hoàn cũng vuông.” Với những người có tuệ quán, có tâm từ bi thì nhìn tất cả mọi sự vật đều tốt đẹp, trước mặt họ chỉ có hoa mà không có rác.
Còn những kẻ ganh tỵ, thù hận, hơn thua… nhìn sự việc nào cũng chỉ có rác mà không có hoa, không có sự yêu thương và hòa bình
Sóng biển ngày đêm, mãi vỗ bờ 
Tâm người vọng động, bởi si mê 
Trầm luân sinh tử, vì oán hận 
Dứt bỏ thị phi, mọi người nhờ
 (Trí Giải)
Khi bạn có tình thương, và có đôi mắt Chánh kiến thì nhìn trên đường đi của bạn toàn là hoa, lá màu xanh tươi đẹp. Hoặc bạn nhìn thấy một khuyết điểm nhỏ của người khác bạn vẫn thấy đẹp và mỉm cười với tha nhân, đó là bạn đang tu thiện pháp:
Nay vui, đời sau vui 
Làm thiện, hai đời vui 
Hoan hỷ, ta làm thiện 
Về cõi cao, vui hơn 
(kinh pháp cú)
Một khi bạn đã mang tâm hận thù, ganh tỵ thì nhìn thế giới này chỉ có hận thù và sự chán ghét, bạn sẵn sàng phỉ báng, và hãm hại người khác:
Kiếp người đau khổ thật tái tê 
Tham, sân, si, hận, trí che mờ 
Từ bi hóa giải, bao oan trái 
Vườn đời xanh ngát, đẹp mộng mơ
 (Trí Giải)
Vì vậy! Qua câu chuyện đàm thoại giữa Thiền sư Phật Ấn và Tô Đông Pha là một bài học thiết thực cho những người học Đạo cần phải dùng một ánh mắt từ bi chan hòa, bằng năng lực trí tuệ để đối nhân xử thế. Bạn đừng bao giờ nhìn người khác là xấu xa. Giữa cho và nhận, bạn cho người khác những gì tự bạn nhận lấy cái quả như thế đó. Tô Đông Pha nói Thiền sư Phật Ấn là “phân” nhưng “phân” ấy xuất phát từ miệng của Tô Đông Pha. Thiền sư Phật Ấn không giận hờn, không sân si chỉ nói “ũa vậy sao.” Đó là bậc Sa môn kham nhẫn trước lời phỉ báng của kẻ xấu.
Nhẫn nhục thể hiện Tâm từ 
Nhẫn Người một chút chữ “tu” hiển bày 
Nhẫn nhịn sẽ thấy điều hay 
Nhẫn bạn ta có những ngày cảm thông
 (Trí Giải)
Chỉ vì Tô Đông Pha muốn hơn Thiền sư Phật Ấn, Tô Đông Pha nói lên lời thô bỉ “Ngài giống như đống phân.” Đó là tự mình chuốc lấy hậu quả về cho mình, Ngài Phật Ấn không nổi sân si, Ngài như là tấm gương cho Sa Môn thực hành nhẫn nhục, vì vậy trong Kinh Đại Bảo Tích đức Phật dạy: 
Nhẫn nhục gốc thập lực 
Chư Phật thần thông nguyện 
Trí vô ngại đại bi 
Đều lấy nhẫn làm gốc 
Tứ đế, niệm, chánh cần 
Căn, lực, giác đạo phần 
Đều lấy nhẫn làm gốc 
Người trí nên tu nhẫn 
Phật tại ba la mật 
Chuyển pháp luân vô thượng 
Cũng lấy nhẫn làm gốc
” (Kinh ĐBT VI, tr. 71)
Đây là một bài học thật hay cho mọi người để ứng nhân xử thế sao cho tốt đẹp, hài hòa, và an lạc để tạo nên cuộc sống chân thiện mỹ. Cho nên qua câu chuyện này là một kim chỉ nam nhắc nhở chúng ta phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, tránh gây xung đột, hận thù và chia rẻ trong các mối quan hệ với nhau:
Quay về nương tựa, bậc Thánh nhân 
Sáng soi việc xấu, dứt lỗi lầm 
Ăn năn sám hối, bao nghiệp chướng  
Bồ đề khai ngộ, nở hoa tâm
 (Trí Giải)
Cũng vì một lời nói, nếu lời nói chân thật (ái ngữ) mang lại hạnh phúc an lạc và thay đổi cuộc đời người khác, cũng một lời nói, nếu chúng ta nói dối, nói ác khẩu, nói lưỡi hai chiều, nói thêu dệt (ít nói thêm nhiều) gây tổn thương, mang lại thị phi tranh chấp, chia rẽ gây mất đoàn kết, và hạnh phúc người khác… cũng vì một lời nói có thể dẫn đến giết người. Đức Phật dạy: "Phù sĩ xử thế phủ tại khẩu trung, sở dĩ trảm thân do kỳ ác ngôn", nghĩa là phàm kẻ ở đời, lưỡi búa bén nằm sẵn trong miệng, sở dĩ chém mình là do lời nói ác.
Đây là một mẩu chuyện hay và ý nghĩa giúp cho chúng ta một bài học noi gương Ngài Phật Ấn để tu hạnh nhẫn nhục trước những lời phỉ báng của người khác.
Vô thường lá rụng, ở bên sân 
Nhặt lá vàng rơi, sạch cõi trần 
Phiền não trong tâm, nhặt dứt bỏ 
Tâm hồn thanh tịnh, khỏi trầm luân
 (Trí Giải)
Thích Trí Giải
Chủ đề: , ,

5 comments

  1. cháu đọc xong , cháu chỉ biết cười thôi cô DS, truyện hay ...:D

    ReplyDelete
  2. Còn nhiều chuyện dí dởm của Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn lắm Tusen ơi. Để hôm nào DS nhờ Thầy Trí Giải kể thêm vài chuyện nữa, DS rất thích những câu chuyện tiếu nhưng đầy ngụ ý như vậy :)

    ReplyDelete
  3. Kakakka kiểu này dễ ganh tỵ lắm nha!!! khen truyện hay mà hổng có khen người bình truyện, buồn 5 fut kkakka Diệu Sương biết ở đâu? chỉ Thầy lấy bình luận chia sẻ............

    ReplyDelete
  4. Khen câu chuyện là khen luôn người bình chuyện rồi đó Thầy ơi. Nếu Thầy không bình thì tụi con đâu có hiểu câu chuyện đâu mà khen hay :)

    ReplyDelete
  5. con có cái tật là đọc xong truyện, tin tức rồi thì ít xem lời bình,vì vậy con dọc xong truyện là con chuyển qua cái khác đọc mà k biết có thầy bình ,mong thầy bỏ qua cho con.

    PS: cám ơn thầy và cô DS đã nâng cấp web lên , nhìn nó k giống cái blog nữa mà giống y hệt 1 website áh :D

    cho con xin thỉnh cầu thầy sắp xếp cái mục lục cho phần nấu ăn riêng được k thầy , khi thầy có thời gian rảnh?

    ReplyDelete

Lên đầu trang