Nuôi dưỡng thân tâm


...Đã có thân thì phải có nhu cầu về ăn, cho nên, lúc bé chúng ta được nuôi bằng nguồn sữa mẹ tinh khiết, khi lớn lên, người mẹ lại chọn thức ăn thật tươi sạch, tránh độc tố có hại cho sức khỏe...

Theo quan niệm nhà Phật, con người sinh ra trên cuộc đời này được cấu thành bởi hai phần danh và sắc. Danh chỉ thọ, tưởng, hành, thức. Sắc chỉ thân thể. Thọ, tưởng hành, thức thuộc về tinh thần; còn sắc thuộc về vật chất. Nói cách khác, đó là thân và tâm. Đã có thân thì phải có nhu cầu về ăn, cho nên, lúc bé chúng ta được nuôi bằng nguồn sữa mẹ tinh khiết, khi lớn lên, người mẹ lại chọn thức ăn thật tươi sạch, tránh độc tố có hại cho sức khỏe. Về tâm, mẹ dùng lời hay ý đẹp dạy con, cho con đến trường để mở mang kiến thức. Đến khi tự lập, mỗi người đều phải tự biết chăm sóc bản thân mình, bởi sức khỏe là vàng, có sức khỏe là có tất cả. Nếu bệnh tật triền miên thì dù có tiền rừng, bạc biển cũng không được an vui, hạnh phúc. Về tinh thần cũng vậy, chúng ta phải biết nuôi dưỡng, vun đắp cho mỗi ngày thêm thánh thiện, thanh cao.

1. Nuôi dưỡng thân.

1.1 Ăn

Khi ăn phải ý thức được việc ăn là để nuôi dưỡng thân thể, xem thức ăn đưa vào cơ thể mình có đảm bảo dinh dưỡng hay không. Ví dụ như không nên ăn thức ăn thiu, hư, có độc tố, quá hạn sử dụng, hay thức ăn có nhiều đường hoá học... Từ xưa, dân gian đã đúc kết câu “Bệnh tòng khẩu nhập”. Mọi bệnh tật đều do ăn uống mà ra. Vì thế, chỉ nên ăn vừa đủ, điều hòa cho thật tốt, ăn nhiều quá cũng sinh bệnh, mà thiếu quá thì cơ thể suy nhược. Trong kinh Tạp A Hàm có chép, một lần Vua Ba Tư Nặc đến thăm đức Phật với thân hình to nặng nề: “Bạch Đức Thế Tôn thân thể của con lúc này đang béo phì. Con không biết phải làm sao?”. Đức Phật đọc một bài kệ, vua sai người hầu học thuộc và mỗi bữa cơm đều đọc để vua biết chánh niệm về ăn uống. Nhờ vậy, nhà vua ăn uống có chừng mực hơn và thân hình gọn trở lại.

Chánh niệm trong khi ăn là cố gắng nhai kỹ, không ăn phi thời và phải quán sát xem thức ăn này từ đâu mà có. Chẳng hạn ăn miếng thịt, biết ngon miệng mình mà không biết vì đó mà bao chúng sinh đau đớn, oán hận. Nếu lấy sinh mạng của chúng sinh khác để nuôi sinh mạng mình, thì tâm từ bi và lòng nhân từ ở đâu? Phật dạy, gieo nhân nào thì gặt quả đó. Giết chúng sinh để ăn thịt, chắc chắn trong tương lai chúng ta sẽ phải nhận lấy kết cục tương tự. Không những thế, trong vòng sinh tử luân hồi này, chúng ta không phải sinh ra một đời, mà xoay vần nhiều đời nhiều kiếp trong vòng lục đạo. Ăn thịt các loài động vật là vô tình chúng ta đã ăn thịt ông bà, tổ tiên, cha mẹ ta kiếp trước. Đó cũng chính là nguyên nhân đưa chúng ta đến đau khổ trầm luân trong sáu đường.

Nếu ai đã xem chương trình Phật pháp nhiệm màu kỳ 8, đều biết Tổng giám đốc tập đoàn Tôn Hoa Sen ăn chay trường mà vẫn khỏe mạnh, thành đạt. Người Ấn Độ ăn cơm với món súp nấu bằng đậu vàng và muối, ngoài ra còn có thêm món Chapati gồm bột mì nhồi dẻo, cán mỏng, sau đó nướng lên chấm với súp. Người Tây Tạng cũng ăn gần giống như vậy. Còn bên Nhật có ông Oshawa đã nghĩ ra phương pháp thực dưỡng bằng cách ăn gạo lứt với muối mè. Vậy mà tất cả họ đều sống khỏe mạnh, dẻo dai và ít bệnh tật. Điều này cho thấy, không phải do ăn đơn giản mà sinh bệnh tật hay thiếu sức khỏe. Thực tế có những người ăn đầy đủ cao lương mỹ vị, đủ kiểu chế biến mà bệnh vẫn cứ bệnh. Vì thế, chúng ta cần xem xét lại vấn đề ăn. Nếu ta biết ăn đúng cách thì ăn chay vẫn khỏe mạnh, lại còn giảm được bệnh tật. Đối với người xuất gia, Phật dạy chỉ ăn buổi sáng và trưa, còn tối không nên ăn. Ăn tối quá no, khi công phu dễ gây buồn ngủ và sinh nhiều dục vọng. Vì thế buổi tối chỉ nên ăn nhẹ.

1.2 Uống

Tùy theo hoạt động, thời tiết hoặc tùy theo nhu cầu cơ thể mà có sự dung nạp cho phù hợp. Khi uống phải chọn thức uống có lợi cho sức khỏe, tránh thức uống có hại cho cơ thể. Theo các nhà nghiên cứu, nước uống có gas có chứa khí cacbonnic nên khi uống sẽ đi vào máu gây đau ruột và dạ dày. Người ta thí nghiệm bỏ mảnh xương vào nước ngọt có gas. Sau 10 ngày, xương mục và tan ra hết.

Rượu là thức uống không những có hại cho đời này mà cả đời sau. Trong nhà Phật, uống rượu là giới cấm. Trong Luật có ghi, người say rượu sẽ dẫn đến: 1. Tâm tán loạn, của cải rơi mất; 2. Thân hay sinh tật bệnh; 3. Tăng trưởng tâm giết hại; 4. Tâm sân hận bùng bốc, dễ gây sự tranh đấu; 5. Trí tuệ dần kém; 6. Phúc đức tiêu mòn; 7. Sự nghiệp chẳng thành; 8. Thêm nhiều sự buồn khổ; 9. Khổ nhục cha me vợ con; 10. Thân hoại mạng chung đọa vào điạ ngục chịu khổ, đời đời u tối. Vì vậy, uống rượu rất nguy hiểm, không chỉ khiến tâm trí u mê mà còn ảnh hưởng đến thế hệ con cháu.

1.3 Thở

Phật dạy, mạng sống chỉ trong một hơi thở. Hằng ngày chúng ta hít thở khói từ các xí nghiệp, nhà máy, lẫn bụi đường và khói xe… Do vậy, cần có thời gian để thanh lọc cơ thể mình bằng cách tập thở mỗi ngày. Ngồi hít vào cho thật đầy bụng, đến khi hít không được nữa thì thở ra. Thở vào phình bụng, thở ra hóp vào. Hằng ngày, ta có thể tập cách thở này để giúp máu huyết lưu thông, tăng cường sức đề kháng, gìn giữ tuổi xuân. Phương pháp này đặc biệt có ích cho nhưng người làm văn phòng, giúp loại bỏ được căng thẳng, tinh thần trở nên phấn chấn trở lại. Vì thế, thay vì nói chuyện phiếm thì ta dành thời gian đó hít thở thật sâu, kèm theo câu niệm Phật. Vừa hít vừa niệm Phật có lợi cho thân và tâm. Đó cũng là tu vậy! 

1.4 Hoạt động

Con người chúng ta có hoạt động thì máu huyết mới lưu thông và giảm thiểu bệnh tật. Một chiếc xe nhiều năm không vận hành sẽ bị rỉ sét. Thân thể con người cũng vậy, không hoạt động sẽ sinh bệnh. Người ít lao động thì cần phải cố gắng tập thể dục, hoặc Phật tử chúng ta nên đi kinh hành. Pháp đặc biệt có lợi ích cho thân tâm đó là pháp môn lạy Phật. Lạy Phật là cách vận động cho máu huyết được lưu thông, đồng thời cũng là cách tu tập rất tốt. Mỗi sáng lạy khoảng 100 lạy. Và một điều quan trọng không thể bỏ qua, trong cơ thể con người có ba yếu tố quan trọng đó là: tinh, khí, thần. Tinh là cốt tủy của con người do các chất bổ dưỡng của thức ăn tạo thành, tinh lực đầy đủ thì khí lực mạnh, khi tinh khí đầy đủ thì tinh thần sẽ sáng suốt. Vì thế, người phóng túng, hoang dâm vô độ sẽ hao tổn tinh khí, cơ thể  hom hem gầy yếu… Cho nên, nếu biết tiết chế, sống khoa học thì sẽ được khỏe mạnh, sống lâu.

1.5 Ngủ nghỉ

Thân thể có hoạt động thì phải có nghỉ ngơi. Vì thế, giấc ngủ đặc biệt quan trọng cho cơ thể chúng ta. Tùy theo thời khóa hoạt động của mỗi người mà có phương pháp sắp xếp giờ giấc cho phù hợp. Không nên ngủ quá độ dẫn đến tinh thần mệt mỏi, đầu óc mụ mị, cơ thể lười biếng…

Tóm lại, về vấn đề nuôi dưỡng thân cần ăn uống, thở, hoạt động và ngủ nghỉ trong chánh niệm. Thực tập được điều này trong cuộc sống thì sẽ có một đời sống lành mạnh, an vui.

2. Nuôi dưỡng tâm

Tâm cũng có nhu cầu “ăn”. Nếu hằng ngày, ta nuôi bằng ác pháp thì tâm sẽ trở nên độc ác. Việc xem nhiều phim ảnh, sách báo khiêu dâm, giết hại... chắc chắn sẽ tác động xấu đến tâm tính của mỗi người. Vì thế, người học Phật phải nuôi tâm bằng thiện pháp, là những pháp lành đưa tâm hồn ta đến chân - thiện - mỹ. Trong kinh nói: “Thâm nhập kinh tạng trí tuệ như hải”. Nên hằng ngày chúng ta phải thường xuyên đọc kinh, nghe pháp. Khi ta trồng cây, muốn nó tươi tốt thì phải chăm bón. Tâm con người cũng vậy, nếu năng tụng kinh, nghe pháp, và sửa đổi mình, tâm sẽ luôn được an lạc.

2.1 Nuôi dưỡng tâm từ

Tâm từ là lòng thương, muốn tất cả mọi người biết đến con đường đạo pháp, tránh điều ác, hướng về điều lành. Người có tâm từ giống như người mẹ luôn yêu thương, che chở cho con mình, dù đứa con ấy có tật nguyền, hư hỏng, không chịu nghe lời đi chăng nữa. Đó là thứ tình thương vô điều kiện, vô bờ bến. Nếu ta phát được tâm như thế, tâm thù oán, giận hờn sẽ nhỏ dần, và tình thương trong ta sẽ lớn lên mỗi ngày.

2.2 Nuôi dưỡng tâm bi

Tâm bi là lòng thương xót khi thấy chúng sinh chịu cảnh trầm luân sinh tử, nạn tai, tranh đấu, những chúng sinh khổ đau nơi địa ngục, ngạ quỷ. Ta phải khởi lòng thương mong muốn họ được thoát khổ, xem tất cả chúng sinh như là người thân của mình. Khi họ khổ thì ta cũng khổ đau như họ vậy. Nếu tâm bi càng lớn thì tâm ác độc, bạo tàn sẽ nhỏ dần.

2.3 Nuôi dưỡng tâm hỷ 

Hỷ là vui, nhưng không phải vui vì tham dục, ăn chơi, thỏa mãn những thú tính tầm thường, mà vui vì thấy người thành đạt, giàu sang, biết tu nhân tích đức. Nuôi dưỡng tâm hỷ là đấu tranh với tâm đố kỵ trong ta và tự sửa mình ngày một cao thượng hơn.

2.4 Nuôi dưỡng tâm xả

Tâm xả nghĩa là không chấp trước, tâm không động giữa lời khen chê. Nếu có tâm chấp trước thì phiền não sẽ theo sau. Khi con chim bay qua dòng sông rồi, thì bóng nó dưới mặt sông không còn nữa. Sống như vậy thì tâm mới an nhiên, tự tại. Điều gì đến chúng ta chấp nhận, điều gì đi thì không nên chấp vào đó mà phiền não. Phật dạy: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng”. Sống theo tinh thần đó, cũng đồng nghĩa với việc nuôi dưỡng tâm xả trong mỗi chúng ta.

2.5 Nuôi dưỡng tâm khiêm hạ

Khiêm hạ, là luôn tôn trọng và có thái độ nhẹ nhàng lễ phép, cẩn trọng với người. Người có tâm tự cao tự đại sẽ khiến người khác khó thương yêu gần gũi. Nên nếu biết khiêm hạ, tự biết mình còn yếu kém thì sẽ học hỏi thêm nhiều. Ở các nước Phật giáo nguyên thủy, vua chúa đều quỳ lạy trước Phật. Đó là tính khiêm cung để làm hẹp tâm ngã mạn.

2.6 Nuôi dưỡng tâm cung kính

Khi đức Phật thành đạo đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Cho nên, dù sang hay hèn, đẹp hay xấu, thông minh hay ngu dốt, tàn tật hay lành lặn thì cũng đều có Phật tính. Vì vậy, biết tôn trọng mọi người, thấy ai ai cũng là Phật, thì tâm cung kính sẽ tăng lên.

2.7 Nuôi dưỡng tâm vô ngã vị tha


Vô ngã là quên mình, vị tha là vì người. Mục đích của người học Phật là là trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh. Ngày hôm nay được gặp Phật pháp, biết tu tập thì phải có tâm muốn đem nhưng điều ấy phổ cập đến nhiều người, làm sao cho ai ai cũng biết đến Phật pháp, cũng biết tu tập giống mình. Vì chiếu theo nhân quả, nếu gieo nhân tốt thì sẽ được hưởng quả tốt; sống vị tha, sẽ được người người thương mến, quý trọng.

2.8 Thường xuyên tu học Phật pháp


Người học Phật phải chú trọng hai vấn đề: một là tụng kinh nghe pháp, hai là ngồi thiền niệm Phật. Tụng kinh, nghe pháp giúp mình mở mang kiến thức, hiểu biết đúng đắn thì thực hành mới có lợi. Cho nên, chư tổ có câu: “Thiền duyệt vị thực, pháp hỷ sung mãn” (Lấy niềm vui của thiền để làm món ăn, lấy niềm vui của pháp để nuôi lớn đạo tâm mình). Ta học pháp thường xuyên giống người đi trong sương lâu cũng thấm ướt. Nuôi dưỡng tâm thiện thì lời nói, hành động dễ thương; đời này được an vui, đời sau sinh về cảnh giới tốt đẹp. Ngược lại người nuôi dưỡng tâm ác, lời nói thô lỗ, hành động bất thiện, ai cũng lánh xa, đời này đau khổ, đời sau đọa vào ác đạo.

Tóm lại, người học Phật phải ý thức được việc nuôi dưỡng thân tâm. Thân tuy là giả tạm nhưng lại là chiếc thuyền đưa ta qua biển khổ sinh tử. Nếu không chăm lo đến sức khỏe của mình, nay ốm, mai đau, thì không còn thời gian để tu tập. Về tâm, nên thường xuyên tụng kinh, niệm Phật, nghe thuyết pháp và thực hành nuôi dưỡng tâm từ - bi - hỷ - xả - khiêm hạ - cung kính - vô ngã, vị tha. Được như vậy, đời này thân tâm sẽ được an vui, hạnh phúc và hướng đến giải thoát luân hồi sinh tử.

BBT WebSite
Chủ đề: ,

1 comments

Lên đầu trang