Tìm hiểu về bột ngọt, bột nêm và sức khỏe

botngot 005

Bột ngọt hiệu AJH-NO-MOTO hãng Nhật được làm tại Mỹ

Tóm lược:

-Bột ngọt là chất điều vị 621 tên tiếng Việt là Mononatri glutamate, tiếng Anh là Monopotassium Glutamate gọi tắt là MSG.

-Hạt nêm là hỗn hợp của nhiều nguyên liệu, thường có 30%-40% bột ngọt và chất điều vị 627, 631.

  • Chất điều vị 627 có tên tiếng Việt là Đinatri guanylat và tiếng Anh là Disodium Guanylate.
  • Chất điều vị 631 có tên tiếng Việt là Đinatri inosinat và tên tiếng Anh là Disodium Inosinate.
  • Cả hai chất điều vị 627 và 631 còn được gọi là chất “siêu bột ngọt”.

-Bột ngọt và hạt nêm không có hại cho sức khỏe nếu không lạm dụng. Việt nam  quy định mỗi người không nên dùng quá 6 grams/ngày, trẻ em dưới 12 tháng tránh dùng.

-Nếu dùng bột ngọt và hạt nêm phải bớt lượng muối. Tuy nhiên muối từ bột ngọt và hạt nêm không có iot. Iot rất cần thiết cho cơ thể con người.

Ý kiến riêng:

-Người ăn chay nếu sử dụng hạt nêm nên mua hạt nêm chay, nên đọc kỹ nhãn hiệu trước khi mua.

-Nên dùng bột ngọt, không nên dùng hạt nêm vì hạt nêm là hỗn hợp của bột ngọt và siêu bột ngọt.

-Nên mua bột ngọt hãng Nhật được sản xuất tại Mỹ hiệu AJH-NO-MOTO. Một gói bột ngọt hiệu này giá khoảng 8USD.

-Không nên lạm dụng bột ngọt và hạt nêm; chất ngọt thiên nhiên từ rau củ, nấm, đậu… vẫn là tốt nhất cho sức khoẻ.

DS

Mời các bạn cùng đọc:

Bột ngọt và hạt nêm là hai sản phẩm gần như khá quen thuộc, thường xuyên có mặt trong nhà bếp mỗi gia đình. Đó là các chất phụ gia giúp cho món ăn thêm ngon, hấp dẫn lại cực kì thuận tiện khi sử dụng. Tuy nhiên có rất nhiều tranh cãi, nhiều thông tin khác nhau xoay quanh vấn đề sử dụng bột ngọt và hạt nêm, khiến người tiêu dùng cảm thấy hoang mang.

Trước đây, người ta đua nhau sử dụng bột ngọt như một thứ phụ gia quí hiếm. Nhưng sau đó, có thông tin cho rằng ăn bột ngọt là không tốt, vì nó gây ung thư. Người ta lại chuyển sang dùng hạt nêm do nghe nói hạt nêm không có chứa bột ngọt, nên tốt cho sức khỏe. Thế rồi, thông qua nhiều kết quả kiểm nghiệm, người ta được biết trong hạt nêm không những chứa bột ngọt mà còn có chất siêu bột ngọt. Nhiều thông tin khác lại cho rằng sử dụng bột ngọt hay hạt nêm là an toàn trong liều lượng cho phép.

Vậy bột ngọt và hạt nêm chứa những chất gì, liệu có an toàn cho sức khỏe hay không? Hậu quả ra sao nếu sử dụng quá nhiều bột ngọt hay hạt nêm trong thực phẩm? Những vấn đề nêu trên cho đến nay, vẫn đang còn khá nóng bỏng, lôi cuốn sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng kể cả các nhà khoa học, các chuyên viên về dinh dưỡng.

  GIỚI THIỆU CHUNG

1.1.    Chất phụ gia thực phẩm

Chất phụ gia thực phẩm là các chất được bổ sung thêm vào thực phẩm để bảo quản hay cải thiện hương vị và bề ngoài của chúng. Một số phụ gia thực phẩm đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ. Ví dụ từ lâu đời rồi người ta đã biết dùng các chất phụ gia như giấm để ngâm rau cải, củ kiệu, như muối ăn dùng muối thịt, cá; hoặc chất tạo màu như lá dứa để tạo ra mùi thơm và màu xanh; hay trái gấc tạo ra màu đỏ cho xôi gấc, hoa lài, hoa sen được dùng để ướp trà,… Tất cả những chất đó có thể được coi như là chất phụ gia.

Với sự ra đời và phát triển của công nghiệp chế biến thực phẩm, trong nửa cuối thế kỷ 20 có thêm nhiều phụ gia thực phẩm đã được giới thiệu, cả tự nhiên lẫn nhân tạo. Hiện nay, hơn 2500 phụ gia đã được sử dụng trong công nghệ thực phẩm.

Để quản lý các chất phụ gia này và thông tin về chúng cho người tiêu dùng thì mỗi loại phụ gia đều được gắn với một con số duy nhất. Ban đầu các số này là các "số E" được sử dụng ở châu Âu cho tất cả các phụ gia đã được chấp nhận. Hệ thống đánh số này hiện đã được Ủy ban mã thực phẩm (Codex Alimentarius Committee) chấp nhận và mở rộng để xác định cho cả thế giới tất cả các phụ gia thực phẩm, không liên quan đến việc chúng có được chấp nhận sử dụng hay không.

Danh sách các nhóm chất phụ gia thực phẩm

Nhóm phụ gia thực phẩm

1 Các chất bảo quản (servatives)

2 Các chất chống đóng vón (Anticaking agents)

3 Các chất chống ô xy hoá (Antioxydants)

4 Các chất chống tạo bọt (Antifoaming agents)

5 Các chất điều chỉnh độ chua (Acidity regulators)

6 Các chất điều vị (Flavour enhancers)

7 Các hương liệu (Flavours)

8 Các chất làm đặc và tạo gel (Thickeners, gelling agents)

9 Các chất làm rắn chắc (Firming agents)

10 Các men (Enzymes)

11 Các phẩm màu (Colours)

12 Các chất nhũ hoá (Emulsifiers)

13 Các chất ổn định (Stabilizers)

14 Các chế phẩm tinh bột (Modified starches)

15 Chất ngọt nhân tạo (Artificial Sweeteners)

16 Các chất tạo phức kim loại hoà tan (Sequestrants

1.2.    Chất điều vị

Chất điều vị (flavor enhancer) là một trong các nhóm chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm giúp điều hòa, làm tăng vị ngon của món ăn. 

Theo Quyết định số 3742 /2001/QĐ-BYT ra ngày 31 tháng 8 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế, danh mục các chất điều vị được phép sử dụng trong thực phẩm như sau:

STT

Tiếng Việt

Tiếng Anh

620

Axit glutamic (L(+)-)

Glutamic Acid (L(+)-)

621

Mononatri glutamat

Monosodium Glutamate

622

Monokali glutamat

Monopotassium Glutamate

623

Canxi glutamat

Calcium Glutamate

626

Axit guanylic

Guanylic Acid

627

Đinatri guanylat

Disodium Guanylate

(mới được bổ sung)

630

Axit inosinic

Inosinic Acid

631

Đinatri inosinat

Disodium Inosinate

(mới được bổ sung)

636

Maltol

Maltol

637

Etyl maltol

Ethyl Maltol

Trong số các chất điều vị trên, có ba chất rất thường xuyên được sử dụng trong chế biến thực phẩm. Đó là chất điều vị 621 – monosodium glutamate (bột ngọt), chất điều vị 627 – disodium guanylate và chất điều vị 631 – disodium inosinate. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn còn khá xa lạ và chưa nhận biết hết về chúng dù vẫn tiếp xúc hàng ngày. Vậy những chất kể trên là những chất gì, được sử dụng cho mục đích gì, ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng và thực phẩm về các chất đó ra sao? Xin mời cùng tôi bước vào nội dung của các chương sau đây.

BỘT NGỌT

2.1.    Bột ngọt là gì?

altBột ngọt (hay mì chính) là muối natri của axit glutamic, một trong hơn 20 loại axit amin để kiến tạo nên protein cơ thể, cần thiết cho sự tăng trưởng, chuyển hóa thần kinh và chức năng của não bộ con người.

- Tên hóa học:

+ Theo tiếng Việt là Natri glutamat.

+ Theo tiếng Anh là Monosodium glutamate monohydrate, viết tắt là MSG.

+ Các tên IUPAC: 2-aminopentanedioic acid, 2-aminoglutaric acid,
1-aminopropane-1,3-dicarboxylic acid

- Tên quốc tế và cộng đồng châu Âu: INS 621, EEC 621 (thường gọi là chất điều vị 621). Bột ngọt chính là chất điều vị 621.

- Công thức phân tử là: C5H8NO4Na.

- Trọng lượng phân tử: 187,13.

- Công thức cấu tạo của axit glutamic là:

alt

- Công thức cấu tạo của natri glutamat là:

alt

2.2.    Tính chất vật lí và sự tồn tại của bột ngọt

a) Tính chất vật lí

    *  Tinh thể rắn dạng que, không màu, không mùi, không dính vào nhau, rời rạc, tan dễ dàng trong nước, tan vừa phải trong cồn.

    *  Vừa có ngọt hoặc hơi mặn.

    *  Nhiệt độ nóng chảy 232 °C

    *  Độ tan trong nước 74 g/ml

b) Sự tồn tại của bột ngọt

v Bột ngọt tự nhiên:

Theo Hội khoa học kĩ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam thì: bột ngọt có sẵn trong các thực phẩm tự nhiên như trong thịt, cá, sữa (kể cả trong sữa mẹ) và trong rau quả như cà rốt, đậu, ngô... Trong khoảng 100g cà chua hiện hữu 0,14g bột ngọt; 0,044g/100g thịt gà; 0,043g/100g tôm. Cơ thể con người cân nặng từ 60kg đến 70kg, thì lượng protein chiếm từ 14 đến 17% trong đó có khoảng 1/5 là bột ngọt.

v Bột ngọt sản xuất

Bột ngọt được sản xuất thông qua quá trình lên men (tương tự như lên men bia, giấm, nước chấm...) từ các nguyên liệu tự nhiên như mật mía đường, tinh bột ngũ cốc. Người ta thường dùng các loại như mía, khoai mì, sắn, ... để làm nguyên liệu chế biến bột ngọt.

2.3.    Qui trình sản xuất bột ngọt

2.3.1.        Nguyên liệu

Để lên men sản xuất axit glutamic, người ta dùng nguyên liệu chủ yếu là dịch có đường, hoặc rỉ đường, hoặc các nguồn nguyên liệu tinh bột đã qua giai đoạn đường hóa. Khoai mì là nguyên liệu tinh bột được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Ngoài ra còn có các nguồn dinh dưỡng bổ sung như muối amôn, photphat, sulfat, biotin, vitamin B…

Trong thực tế sản xuất, người ta dùng rỉ đường làm môi trường lên men thay cho cao bắp. Rỉ đường thường pha loãng đến 13 – 14% và thanh trùng trước khi lên men. Nếu là nguyên liệu chứa tinh bột, thì tinh bột phải được thủy phân (quá trình dịch hóa và đuờng hóa) nhờ enzym a -b- amylaza rồi sau đó mới bổ sung thêm dinh dưỡng vào môi trường lên men.

2.3.2.        Chủng vi sinh

Tham gia vào quá trình lên men sản xuất axit glutamic, chủng vi sinh thường sử dụng là: Corynebacterium Glutanicum, Brevibacterium Lactofermentus, Micrococus Glutamicus; nhưng chủ yếu nhất vẫn là chủng Corynebacterium Glutamicum (loại vi khuẩn này đã được nhà vi sinh vật Nhật Bản Kinosita phát hiện từ 1956, có khả năng lên men từ tinh bột, ngô, khoai, khoai mì để tạo ra axit glutamic).

Giống vi khuẩn thuần khiết này được lấy từ ống thạch nghiêng tại các cơ sở giữ giống, sau đó được cấy truyền, nhân sinh khối trong môi trường lỏng (như đã nói ở phần trên). Khối lượng sinh khối đuợc nhân lên đến yêu cầu phù hợp cho quy trình sản xuất đại trà. Trước khi nhân, cấy, môi trường lỏng phải được thanh trùng bằng phương pháp Pasteur.

Chủng vi khuẩn giống phải có khả năng tạo ra nhiều axit glutamic, tốc độ sinh trưởng phát triển nhanh, có tính ổn định cao trong thời gian dài, chịu được nồng độ axit cao, môi trường nuôi cấy đơn giản, dễ áp dụng trong thực tế sản xuất.

2.3.3.        Kỹ thuật sản xuất axit glutamic và bột ngọt

Axit glutamic sản xuất bằng phương pháp lên men vi khuẩn, với nguyên liệu là đường. Quá trình này được xúc tác nhờ hệ enzym có sẵn trong vi khuẩn, chuyển hóa qua nhiều giai đoạn trung gian với nhiều phản ứng khác nhau tạo ra nhiều sản phẩm phụ, và cuối cùng là sản phẩm axit glutamic. Thực chất của quá trình này là đường được chuyển hóa (quá trình đường phân theo Enbden – Meyerhoff), rồi sau đó thông qua chu trình Krebs của quá trình hô hấp hiếu khí của vi khuẩn, sản phẩm axit glutamic được hình thành. Sự hình thành axit glutamic phụ thuộc vào sự tích tụ axit a - xêtoglutaric trong tế bào vi khuẩn, sự có mặt của NH3 và enzym xúc tác là glutamat dehydrogenaza.

Phương pháp lên men vi khuẩn là phương pháp được sử dụng rộng rãi hiện nay trên thế giới để sản xuất axit glutamic và bột ngọt. Hàng năm, sản lượng bột ngọt cả thế giới sản xuất theo phương pháp này khoảng 25 – 30 vạn tấn. Ở Việt Nam cũng có nhiều nhà máy sản xuất bột ngọt bằng phương pháp lên men như VeDan, Ajino Moto, Việt Trì, Thiên Hương…

Để sản xuất bột ngọt từ axit glutamic bằng phương pháp lên men, quy trình công nghệ được triển khai theo các giai đoạn sau:

·     Chuẩn bị dịch lên men: Môi trường lên men được chuẩn bị sẵn từ các nguyên liệu đường hoặc tinh bột (như đã nêu ở phần trên) được thanh trùng kỹ trước khi cấy vi khuẩn lên men glutamic vào.

·     Giai đoạn lên men: dung dịch nhân sinh khối vi khuẩn, dung dịch lên men được chuyển vào các dụng cụ, thiết bị lên men, sau corynebacterium glutamicum vào, cho lên men trong điều kiện thoáng khí, giữ ở nhiệt độ 32 – 370C trong thời gian 38 – 40 giờ. Kết thúc quá trình lên men, lượng acid glutamic có thể đạt 50 – 60g/ lít.

Trong thời gian lên men, pH sẽ chuyển dần sang acid do sự hình thành axit glutamic do đó người ta thường bổ sung thêm dinh dưỡng vào môi trường nguồn amoni (NH4Cl, (NH4)2SO4, urê) để giữ ổn định độ pH cho vi khuẩn hoạt động tốt.

Không được để điều kiện lên men là yếm khí vì sản phẩm tạo ra sẽ là axit lactic. Để tạo thoáng khí, trong các thiết bị lên men bố trí bộ phận khuấy trộn dịch với tốc độ V = 450 vòng/ phút.

·     Tinh sạch acid glutamic:

Kết thúc quá trình lên men, acid glutamic được tạo thành cùng với một số tạp chất khác, do đó cần phải tinh chế các tạp chất này ra khỏi dung dịch chứa acid glutamic. Phương pháp thường dùng là nhựa trao đổi rezin. Nhựa trao đổi rezin có hai loại: rezin dương tính (mang tính axit) và rezin âm tính (mang tính kiềm).

Dịch lên men có chứa axit glutamic và tạp chất cho chảy qua cột nhựa (có chứa rezin) từ dưới lên với tốc độ 150 – 180 lít/ phút, thời gian chảy qua cột là 150 – 180 phút. Song song, người ta cho dòng nước chảy qua cột cùng chiều với dung dịch lên men để rửa các vi khuẩn bám vào bề mặt rezin. Giữ nhiệt độ trong cột trao đổi ion là 600 – 650C. Sau khi kết thúc quá trình trao đổi ion, dùng NaOH 4 – 5% để tách axit glutamic ra khỏi cột (tốc độ chảy NaOH là 5 – 6m/ giờ, lưu lượng 100lít/ phút).

Người ta có thể sử dụng than hoạt tính để khử màu. Axit glutamic được thu bằng cách điều chỉnh pH = 3,2 rồi cô đặc dung dịch và giảm nhiệt độ xuống 40 – 150C sẽ thu được tinh thể acid glutamic với lượng 77 – 88% hoặc cao hơn.

·     Sự tạo thành bột ngọt:

Bột ngọt là muối natri của axit glutamic, gọi là glutamat natri. Dùng NaOH 40% – 50% để trung hòa dung dịch axit glutamic đến pH = 6,8, sau đó đem lọc, cô đặc, và kết tinh bằng phương pháp sấy chân không ở nhiệt độ thấp sẽ thu được tinh thể bột ngọt màu trắng. Độ tinh khiết của bột ngọt có thể đạt 99 – 99,6% mononatri glutamat.

2.4.    Sự ra đời của bột ngọt

Vị giác của con người, ngoài bốn vị đã phát hiện là chua, ngọt, mặn, đắng; gần đây các nghiên cứu khoa học còn chứng thực có thêm một vị thứ năm cơ bản nữa, đó là vị ngon-gọi theo Tiếng Nhật là vị Umami. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia thì bột ngọt có vị Umami.

Việc sử dụng bột ngọt đã có từ nhiều thế kỷ trước trong nghệ thuật ẩm thực phương Đông. Cách đây khoảng 1500 năm, các đầu bếp đã biết cho một lượng tảo biển vào súp để làm tăng đáng kể hương vị món ăn nhưng họ hoàn toàn không biết rằng tảo chứa một lượng lớn glutamate (bột ngọt) tự nhiên. Mãi đến năm 1860, Ritenhausen và Woft (Đức) đã xác định được cấu tạo của axit glutamic và muối natri glutamat. Năm 1908, vị giáo sư người Nhật Kikunae Ikeda thuộc Đại học Hoàng Gia Tokyo đã khám phá ra chất tạo nên vị ngọt thịt, đó chính là natri glutamat.

alt

Giáo sư Kikunae Ikeda

altChất này đã từng được chiết suất thành công từ tảo biển và ông đặt tên cho thương phẩm là Ajinomoto, theo tiếng Nhật nghĩa là “tinh chất của vị ngọt”. Năm 1909, Giáo sư Ikeda và dược sĩ Saburosuke Suzuki mở một công ty chuyên kinh doanh bột ngọt với cái tên Ajinomoto. Đến năm 1933, sản xuất bột ngọt tại Nhật Bản đã đạt đến 4500 tấn/năm. Bột ngọt trở thành gia vị quan trọng, nhất là tại các nước phương Đông.

Năm 1920, Trung Quốc cũng sản xuất được bột ngọt. Có năm hãng ViTsin của Trung Quốc sản xuất tới 200 tấn bột ngọt/năm. “Mì chính”, tên gọi chệch theo tiếng Quảng Châu xuất hiện từ lúc đó.

2.5.    Bột ngọt và sức khỏe con người

Bột ngọt không có kết cấu màu hoặc mùi vị đặc trưng nên được dùng trong nhiều món ăn và làm tăng cường hương vị gốc một cách tự nhiên. Khi pha vào món ăn, bột ngọt tan trong nước, ngấm vào thức ăn và làm cho thức ăn thêm đậm đà mà không thay đổi màu lẫn mùi vị. Bột ngọt giúp gia tăng hương vị tự nhiên của thực phẩm chứa nhiều chất đạm như cá, thịt... Nó còn kết hợp tốt với vị mặn và chua, nhưng không có tác dụng gì với vị ngọt và đắng.

Một thời, những thứ gì thuộc về “của hiếm, của độc” đã từng được ví là “Mì chính cánh”. Nhưng khoảng gần chục năm trở lại đây, thuật ngữ này có vẻ không còn ý nghĩa nữa. Từ một gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn, bột ngọt đột nhiên bị tẩy chay. Giờ đây, nhiều gia đình đã đoạn tuyệt với bột ngọt, mặc dù mọi người vẫn khẳng định gia vị này làm cho món ăn ngon hơn. Họ cho rằng, ăn bột ngọt sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh cũng như bệnh ung thư. Cũng có người cho rằng, nếu cho bột ngọt vào món ăn khi đang đun nấu thì sẽ làm tăng độ độc vốn có ở các thành phần hóa học của nó... Người ta cảnh giác với bột ngọt, lâu dần dị ứng cả với vị ngọt của nó.

2.5.1.        Vậy bột ngọt có độc hại hay không?

Trong một hội thảo tại Hà Nội do Viện Dinh dưỡng tổ chức, các chuyên gia thuộc ủy ban Kỹ thuật Glutamate quốc tế cho biết: bột ngọt có thể bị biến đổi thành chất gây đột biến gen khi thực hiện thí nghiệm trong hai giờ đồng hồ ở nhiệt độ 3000 C. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng: không chỉ bột ngọt bị biến đổi mà ở nhiệt độ này, các thành phần thực phẩm tự nhiên như protein cũng đều bị biến đổi thành chất gây đột biến gen, các nguyên liệu thực phẩm bị nấu ở nhiệt độ cao cũng bị cháy thành than. Tuy nhiên, ở nhiệt độ sôi của nước và thức ăn được chế biến hằng ngày, natri và Glutamat - hai thành phần chính của bột ngọt vẫn là những chất ổn định.

Hàng trăm cuộc thí nghiệm toàn diện trên động vật và cả cơ thể người được thực hiện bởi các viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới trong một thời gian dài đã đưa ra kết luận: “Bột ngọt đảm bảo an toàn cho mục đích sử dụng đối với mọi lứa tuổi”, cụ thể như sau:

-       Ủy Ban Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm (JECFA) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO) công bố trong cuốn “Hướng dẫn sử dụng an toàn các chất phụ gia thực phẩm” (Guide to the Safe Use of Food Additives) xuất bản năm 1979 thì bột ngọt thuộc danh sách A1 liệt kê các phụ gia đã được Ủy Ban JECFA hoàn toàn thông qua cho phép dùng an toàn (fully cleared) với liều dùng hàng ngày chấp nhận được là 0-120mg/kg. Có nghĩa với thể trọng người bình thường 50kg thì mỗi ngày có thể sử dụng khoảng 6g bột ngọt.

-       Năm 1991 uỷ ban Khoa học về thực phẩm của Châu Âu tái khẳng định bột ngọt an toàn và có thể dùng hàng ngày.

-       Năm 1992 báo cáo từ hội đồng của vụ Khoa học thuộc hiệp hội Y tế Mỹ khẳng định dưới bất kỳ hình thức nào cũng không chứng minh được nó là mối nguy hại đáng kể đối với sức khoẻ.

-       Năm 1995 báo cáo được FDA uỷ quyền của hiệp hội Thực nghiệm sinh học liên bang (FASEB) xác nhận các đánh giá về an toàn của các uỷ ban đã nêu, nhưng cho rằng một tỷ lệ chưa rõ dân số có thể dị ứng với bột ngọt và phát triển thành một hội chứng phức tạp khi tiêu thụ hơn 3g bột ngọt thuần.

-       Năm 2002 một báo cáo phát hiện chuột được nuôi theo chế độ dinh dưỡng bổ sung từ 10 – 20% bột ngọt tinh khiết bị thoái hoá võng mạc, có thể do sự dồn tụ của muối glutamate trong pha lê dịch. Tuy nhiên, một lượng glutamat đó cao hơn rất nhiều so với lượng bột ngọt sử dụng làm gia vị thực phẩm.

-       Ở các nước trên thế giới:

+ Tại Hoa kỳ: bột ngọt được các cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ đưa vào danh sách các gia vị thực phẩm được phép sử dụng. Bột ngọt được coi là an toàn cho mục đích sử dụng và được xem là một thành phần thực phẩm phổ biến như muối, tiêu, giấm, bột nở.... và không quy định liều dùng hàng ngày (Theo tài liệu Code  Federal Regulation Part 182 - 1994. FDA - US )

+ Tại Pháp: Bột ngọt được coi là an toàn và cũng không quy định liều dùng hàng ngày. (Theo tài liệu Réglementation des produits qualité - Repression des fraudes 1991 et modifié 6/1993).

+ Tại Thái Lan: liều dùng hàng ngày tùy theo yêu cầu (As required).

+ Tại các nước Châu Á khác: Malaysia, Philippin, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc đều coi bột ngọt là an toàn và không quy định liều dùng hàng ngày.

+ Cộng đồng Châu Âu ( EC) đặt mã số bột ngọt (MSG) là phụ gia thực phẩm số E621 và cho phép dùng không có khuyến cáo số lượng hàng ngày.

+ Ở Việt Nam

-       Bộ Y Tế: bột ngọt được xem là một gia vị thực phẩm và đã được đưa vào danh mục các phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm theo quyết định số 3742/2001 QĐ- BYT ngày 31/8/2001 của Bộ Y Tế.

-       Bộ khoa học công nghệ và môi trường: bột ngọt được phép sử dụng như một phụ gia thực phẩm trong chế biến thức ăn ở gia đình, tại các nhà hàng cũng như trong công nghiệp chế biến thực phẩm (Báo cáo ngày 20/4/1995 của Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ khoa học Công nghệ và Môi Trường).

2.5.2.        Bột ngọt có liên quan gì đến “Hội chứng quán ăn Trung Hoa” không?

“Hội chứng quán ăn Trung Hoa” (Chinese Restaurant SyndromesI) là cụm từ dùng để chỉ triệu chứng khó chịu nhất thời do bị dị ứng khi ăn tại các quán ăn Trung Hoa. Họ cho rằng trong các thức ăn có nhiều bột ngọt  gây nên hiện tượng nóng mặt, hoa mắt, khó chịu....

Năm 1968, bác sĩ Ho Man Kwok thuộc tổ chức National Biomedial Research Foundation viết một bài báo cho chuyên san y tế New England of Medecine như sau: “Tôi bị một hội chứng là mỗi khi đi ăn trong một nhà hàng Tàu, đặc biệt là nhà hàng bán thức ăn Hoa. Hội chứng thường bắt đầu diễn ra khoảng 15 – 20 phút sau khi ăn xong món đầu tiên, kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ mà không có các hậu quả để lại. Những triệu chứng nổi rõ nhất là bị tê cứng phía sau gáy, dần dần lan toả ra hai cánh tay và lưng, bị uể oải và tim đập nhanh…” Lời thuật này bắt đầu gây hoang mang về sức khoẻ trên khắp thế giới về bột ngọt và từ “Hội chứng quán ăn Trung Hoa” ra đời từ ấy. Tuy nhiên, ông và các cộng sự đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng các triệu chứng trên có thể gây ra bởi một số thành phần có trong nước tương. Nhưng triệu chứng này lại không xảy ra khi sử dụng loại nước tương này ở nhà. Một vài nhận định rằng triệu chứng gây ra có thể do rượu được sử dụng rộng rãi trong món ăn ở các nhà hàng Trung Quốc, và các triệu chứng này tương tự như các triệu chứng do ảnh hưởng của rượu. Nhận định khác lại cho rằng triệu chứng này gây ra bởi bột ngọt được sử dụng làm gia vị chế biến trong các món ăn ở nhà hàng Trung Quốc. Và một khả năng khác là hàm lượng muối cao trong các món ăn Trung Quốc có thể làm cao natri máu nhất thời, gây nên hiện tượng giảm kali trong nội bào, tạo ra các triệu chứng tê cơ, hồi hộp và có cảm giác yếu…

Còn theo tiến sĩ Kenny của trường Ðại Học Y Khoa George Washington đã làm thí nghiệm đối chiếu lâm sàng về vấn đề này, kết quả của thí nghiệm đã chứng minh: bột ngọt không hề liên quan trực tiếp tới dị ứng. Nghiên cứu của ông còn đưa ra kết luận, ăn xong uống nước cà chua và cà phê đen, cũng có thể gây nên khó chịu sau khi ăn một số thực phẩm hoặc một số thành phẩm của thực phẩm nào đó, những thực phẩm này thường là hạt tiêu, sôcôla, các loại sò hến và nhiều loại thành phần thực phẩm khác.

Cho đến nay, dựa trên các nghiên cứu khoa học đáng tin cậy, Ủy ban hỗn hợp về phụ gia thực phẩm (JECFA) của Tổ Y Tế Thế giới  (WHO) và tổ chức Lương Nông (FAO) năm 1987, đã chính thức tuyên bố: Các nghiên cứu đã không thể chứng minh được rằng MSG (bột ngọt) là tác nhân gây ra các triệu chứng của “Hội chứng quán ăn Trung Hoa”.

Trong thực tế đời sống hàng ngày ta cũng có thể gặp một số người khi ăn cá biển, tôm, cua hay ghẹ, thịt gà, thịt bò ......cũng sinh ra dị ứng mẩn ngứa hoặc khó chịu. Đó cũng là do cơ địa mẫn cảm của từng người dị ứng với một loại thực phẩm khác nhau. Nên không thể nói bột ngọt là tác nhân gây ra toàn bộ “Hội chứng quán ăn Trung Hoa” đối với tất cả mọi người khi chưa đủ chứng cứ chắc chắn.

v Qua các quy định quốc tế và quốc gia có sử dụng bột ngọt (MSG), chúng ta nhận thấy không có quốc gia nào cho bột ngọt là chất độc và cũng không có quốc gia nào cấm sử dụng bột ngọt trong chế biến thực phẩm.

v Tuy nhiên, cần xác định rõ bột ngọt chỉ là một phụ gia thực phẩm, điều vị an toàn cần thiết (tương tự như dấm, tiêu, muối ăn...), bản thân bột ngọt không phải là một chất dinh dưỡng có thể thay thế cho thịt, cá, trứng, sữa....

2.5.3.        Nên sử dụng bột ngọt với liều lượng bao nhiêu là an toàn cho sức khỏe?

Độ độc cấp của MSG được tính bằng đơn vị LD50 đối với chuột là 19,9 gam/kg thể trọng. Theo cách tính này, đối với một người nặng 70kg, liều mì chính gây độc là 1,4kg. Đầu thập kỷ 70, JECFA - Ủy ban hỗn hợp về Phụ gia thực phẩm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông (FAO) đã bắt đầu đánh giá tính an toàn của bột ngọt và đưa ra quy định về liều lượng sử dụng hằng ngày: từ 0-120mg/kg thể trọng. Vào năm 1987, Hội nghị lần thứ 31 của JECFA đã tiến hành đánh giá lại độ an toàn của bột ngọt và đưa ra kết luận “liều dùng không xác định”. Ở Việt Nam, viện dinh dưỡng quốc gia (Bộ y tế) cho phép sử dụng bột ngọt không quá 6g/ngày. Còn với trẻ em dưới 12 tháng tuổi tuyệt đối không nên ăn bột ngọt.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm có bài viết về việc sử dụng bột ngọt trên trang web của báo Tiền Phong (http://www.tienphong.vn/)  đăng ngày thứ Tư, 11/02/2009, lúc 9 giờ 8 phút. Theo Tiến sĩ: “Thực tế, không có khuyến cáo về liều sử dụng đối với mì chính, cũng như không có khuyến cáo riêng nào đối với trẻ em. Có thể hiểu, liều dùng hằng ngày không quy định, nghĩa là các nghiên cứu chưa tìm thấy mức liều lượng sử dụng nào của mì chính có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Tuy nhiên, là một thứ gia vị, cũng tương tự như sử dụng muối hay ớt, mì chính chỉ có tác dụng tăng vị ngon khi được sử dụng ở liều thích hợp. Nếu quá nhiều, sẽ phản tác dụng.”

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm lưu ý thêm: “Khi sử dụng, nên nêm mì chính lúc sắp hoàn thành món ăn. Trong mì chính có muối và vị ngọt, vì vậy, với người cần giảm mặn (bệnh thận, cao huyết áp) sử dụng mì chính với lượng phù hợp sẽ giúp tăng vị ngon, vị đậm của thức ăn, từ đó sẽ giảm được lượng mắm muối sử dụng khi nấu. Mì chính không gây hại cho sức khỏe, không nguy hại cho trẻ em và cũng không gây ung thư. Tuy nhiên, chúng không có công dụng chữa bệnh. Cần sử dụng nó như là một gia vị, không nên lạm dụng”.

2.5.4.        Những thông tin khác về bột ngọt

Mặc dù bột ngọt được cho là chất phụ gia an toàn trong liều lượng cho phép, nhưng không phải vì thế mà ta có thể vô tư sử dụng và “lờ đi” những tác hại nghiêm trọng đã được thông báo từ nhiều tài liệu đáng tin cậy.

Chưa chắc khi ta cho nhiều bột ngọt vào thức ăn sẽ làm thức ăn ngon hơn. Ngoài ra bản thân bột ngọt không có giá trị dinh dưỡng; khi lạm dụng còn có nguy cơ gây hại sức khỏe.

Như chúng ta đã biết natri glutamat có sẵn trong thức ăn hàng ngày. Một khẩu phần ăn dù đạm bạc cũng đủ cung cấp lượng Na+ và glutamat cho cơ thể. Do đó, ăn bột ngọt không hề giúp bổ não như lời đồn trước đây mà còn làm tăng thêm lượng các chất này trong cơ thể. Trong bột ngọt, lượng natri chiếm khoảng 13% (khoảng 1/3 so với muối ăn), ăn nhiều bột ngọt đồng nghĩa với ăn nhiều natri. Các ion natri tập trung ở ngoài màng tế bào giữ chức năng thẩm thấu, đảm bảo sự ổn định của lượng chất lỏng cũng như sự cân bằng giữa tính axit và tính kiềm của cơ thể. Khi lượng ion natri tăng cao, sự cân bằng này sẽ bị phá vỡ dẫn tới lượng nước trong tế bào tăng lên (làm ự nước), tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi, có thể làm tăng huyết áp hoặc béo phì. Còn glutamat là chất dẫn truyền thần kinh kích thích có khắp nơi trong hệ thống thần kinh trung ương. Do đó, nếu dùng bột ngọt quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh, đau mỏi đốt sống cổ, rối loạn hoạt động não, gây mất trí nhớ. Chưa kể gan và thận do phải làm việc cật lực để thải hồi các chất độc này ra khỏi cơ thể, dẫn đến bị suy yếu và gây nhiều rối loạn.

Theo kết quả báo cáo dài 350 trang (hoàn thành ngày 31/7/1995) của hội Thử nghiệm sinh học liên bang Mỹ, những phản ứng phụ do sử dụng bột ngọt là:

·     Cảm giác nóng ran như cháy khắp cổ, ngực và phần trước cánh tay.

·     Tê sau cổ và từ cánh tay trở lên

·     Ngứa ran khắp mặt, cổ, lưng và tay

·     Nhức đầu, buồn nôn

·     Tức ngực, khó thở

·     Đau tim, suy nhược

Năm 1996, Tiến sĩ Russell L. Blayclok đã viết trong quyển: “Excitotoxins: The Taste that kills” về triệu chứng béo phì và tổn thương não, giảm trí nhớ, bệnh Parkinson’s,…và nhiều bệnh khác từ việc sử dụng nhiều bột ngọt. Một nghiên cứu khác của giáo sư lâm sàng khoa tâm thần học Viện Ðại Học California Arthur D. Colman cũng cho thấy, có khoảng 30% dân chúng bị những phản ứng nguy hại, khi ăn phải bột ngọt. Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã cảnh báo việc này cho người dân. Nhiều lời khuyến cáo được đưa ra như: phụ nữ có thai và trẻ em dưới 6 tuổi không nên dùng bột ngọt, còn người lớn thì tránh dùng chừng nào là tốt chừng ấy. Các thực phẩm chế biến sẵn có chứa bột ngọt phải ghi rõ bên ngoài bao bì,…

Theo thống kê thì Châu Âu và các nước phát triển hầu như không sử dụng bột ngọt trong chế biến thực phẩm. Các nước sản xuất nhiều bột ngọt chỉ để xuất khẩu ví dụ như Mỹ tiêu thụ nội địa 0,7% sản lượng; Pháp 0,9%; Braxin 1% hay ngay tại Nhật (quê hương của bột ngọt) cũng chỉ làm ra để xuất khẩu, chứ tiêu thụ nội địa chỉ 1,5% sản lượng. Người dân ở các nước trên rất hạn chế hoặc không sử dụng bột ngọt trong nấu ăn. Họ chỉ chế biến các nguyên liệu tươi từ tự nhiên.

Trong khi đó, ở Việt Nam, bột ngọt lại đang “bành trướng”. Từ vài chục năm nay, bột ngọt, bột canh luôn là bạn đường thuỷ chung của các nhà bếp, đặc biệt là ở các nhà hàng, quán ăn Việt Nam. Bất kỳ món ăn nào của ta hiện nay cũng đều được nêm cỡ 1 thìa cà phê bột ngọt. Nếu chú ý sẽ thấy các món ăn hướng dẫn trên ti vi, trên báo đều khuyên nêm thêm khoảng 2 thìa cà phê chất ngọt ngào này. Ngay mì gói, thứ đồ ăn quen thuộc cũng có tới 4 gam bột ngọt/ 1 gói. Cứ nêm, và nêm vô tội vạ. Vì thế mà hiện nay, hai nhà máy chuyên sản xuất bột ngọt ở Việt Trì, Vedan ở Đồng Nai và nhiều nhà máy lớn nhỏ khác ở Hà Nội, Sài Gòn cũng chưa cung cấp đủ nhu cầu nội địa. Hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu bột ngọt từ Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Braxin, và nhất là bột ngọt 3 không (không nhãn, không hạn sử dụng, và không xuất xứ nhà sản xuất) được từ biên giới Trung Quốc. Việt Nam đang thật sự trở thành “bãi thải” bột ngọt như nhiều lời báo động.

Thử làm một bài tính nhẩm: trung bình một gia đình bốn người, một ngày dùng ít nhất khoảng 7 thìa cà phê bột ngọt cho các món ăn của 3 bữa, ước tính bình quân 4gam/thìa. Nghĩa là, hàng ngày một người dùng tới 7 gam bột ngọt, vượt quá giới hạn cho phép đến 15-20%. Vậy mà một số người trong chúng ta vẫn cứ ung dung cho đó là liều dùng “bình thường”.

2.6.    Một số chú ý khi sử dụng bột ngọt

Theo PGS.TS. Bùi Minh Đức - Phó Chủ tịch Hội KHKT An toàn Thực phẩm Việt Nam thì khi sử dụng bột ngọt cần chú ý:

·     Bột ngọt chỉ là một gia vị có tác dụng điều vị, do đó không nên dùng các loại gia vị kể cả bột ngọt để thay thế cho các chất dinh dưỡng nói chung.

·     Không nên sử dụng bột ngọt hay các loại gia vị khác để che lấp những mùi vị phản ánh tình trạng mất chất lượng của thức ăn như ôi, thiu, tanh, thối.

·     Bột ngọt chỉ có tác dụng điều vị tốt với các vị mặn, đắng và chua, nhưng lại không ảnh hưởng đến vị ngọt nên trong sản xuất bánh kẹo nói chung, bột ngọt ít được sử dụng.

·     Nếu sử dụng bột ngọt thì cần giảm bớt lượng muối cho vào.

 CHẤT ĐIỀU VỊ 627, CHẤT ĐIỀU VỊ 631

3.1.    Chất điều vị 627 và chất điều vị 631 là gì?

3.1.1.        Khái niệm

v Chất điều vị 627 (E627) còn gọi là Disodium guanylate, hay sodium 5'-guanylate và disodium 5'-guanylate; là muối có chứa hai gốc natri của guanosine monophosphate(GMP).

v Chất điều vị 631 (E631) còn gọi là Disodium inosinate, hay disodium 5'-inosinate, hoặc sodium 5'-inosinate; là muối chứa hai gốc natri của axit inosinic.

Hai chất này hiện được biết đến với tên gọi: chất “siêu bột ngọt”.

3.1.2.        Công thức phân tử, công thức cấu tạo

·     Công thức phân tử của E627 là: C10H12N5Na2O8P (Khối lượng mol là 407.184 g/mol).

·     Công thức cấu tạo của E627                       

alt

·     Công thức phân tử của E631 là: C10H11N4Na2O8P (392.17 g/mol).

·     Công thức cấu tạo của E631

alt

3.2.    Lịch sử tìm ra chất điều vị 627, 631

Năm 1913, học trò của Tiến sĩ Ikeda là ông Komada đã phát hiện ra tính chất đặc trưng của vị Umami trong Disodium 5’- inosinate (E631) (IMP) là một chất có trong khô cá nhảy.

Nhiều năm sau ông Kuninaka và các cộng sự lại khám phá ra một chất có hương vị Umami cực kỳ quan trọng trong loại nấm Shiitake khô, đó là chất Disodium 5’-guanylate (E627) (GMP). Ông Kuninaka nhận thấy, nếu trộn bột ngọt với 5’ribonucleotide thì sẽ có được một chất có độ ngọt gấp 10 lần so với bột ngọt thông thường. Đó chính là siêu bột ngọt.

Theo tài liệu “Sinh hóa ứng dụng” của GS-TS Đồng Thị Thanh Thu - giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) Từ năm 1960, loại siêu bột ngọt đã chính thức được giới thiệu và tiêu thụ trên thị trường”.

3.3.    Tác dụng của các chất điều vị 627, 631

Chất điều vị 627, 631 tuy xa lạ với người tiêu dùng nhưng được sử dụng rất phổ biến trong công nghiệp chế biến thực phẩm. GS-TS Bùi Minh Đức - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Vệ sinh an toàn thực phẩm đã cho biết định nghĩa về hai chất 627 và 631 có trong cuốn Bách khoa toàn thư thực phẩm Hoa Kỳ.  Theo đó, muối của hai chất trên có cùng vị với bột ngọt, thuộc nhóm bột ngọt, giúp làm tăng độ ngọt hiệu quả hơn so với bột ngọt thông thường (621), đặc biệt là chất điều vị 631. Nói cách khác, hai chất trên kết hợp với nhau tạo chất siêu bột ngọt, tuy nhiên nó tạo vị ngọt dễ chịu và ít độc hại.

Cùng chung quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm cho biết: “Theo các tài liệu khoa học thì chính chất điều vị 627 và 631 là chất siêu ngọt có độ ngọt gấp 10 đến 15 lần bột ngọt thông thường. Nó còn tác động lên trung ương thần kinh vùng cảm nhận thèm ăn, kích thích thèm ăn... Cứ nói đến 2 chất này, những người làm công nghiệp thực phẩm đều biết ngay rằng đó là chất siêu ngọt”.

·     Disodium inosinate (631) là loại phụ gia thực phẩm có công dụng điều vị, trợ lực với monosodium glutamate (bột ngọt). Loại phụ gia này có xuất xứ từ thịt, cá, có thể kích thích gây bệnh Gout. Thường không được dùng cho thực phẩm của trẻ em.

·     Disodium guanylate (627), cũng là một phụ gia thực phẩm có tính điều vị nhờ có tác dụng hiệp lực với bột ngọt. Disodium guanylate (627) là chất điều vị có xuất xứ từ cá khô hay rong biển khô, sản phẩm phụ của disodium inosinate (631).

Disodium inosinate (627) và disodium guanylate (631) là hai chất điều vị không có chứa bọt ngọt, nhưng lại có tác dụng cộng lực với axit glutamic tự do, nên thường được dùng chung với nhau. Chất điều vị 627 và chất điều vị 631 là những phụ gia khá đắt tiền, nhưng điều đặc biệt là chúng không có hiệu quả nếu không có bột ngọt đi kèm. Vì vậy, khi bạn khám phá trên nhãn thực phẩm có các kí hiệu 627 và 631 mà không hề thấy bột ngọt, chắc chắn là trong loại thực phẩm này có chứa axit glutamic (bột ngọt) ẩn dưới một dạng khác.

Trong chế biến thực phẩm người ta cho siêu bột ngọt này vào để làm tăng vị ngọt giả tạo của thịt, hay tạo ra một sản phẩm hoàn toàn không có thịt nhưng lại có vị như nước hầm thịt. Ví dụ: trong các món canh của các bếp ăn tập thể hay các quán cơm giá rẻ người ta chỉ dùng nước, muối, bột ngọt và siêu bột ngọt (có trong bột nêm) để tạo ra nước canh như nước hầm thịt. Nước mắm cũng chỉ có nước, muối, hương nước mắm và siêu bột ngọt. Lý do là giá suất ăn quá thấp họ không thể hầm xương hay thịt và cũng không thể có nước mắm thật được.

Siêu bột ngọt đặc biệt phổ biến trong hạt nêm (hoặc bột gia vị), thường sử dụng trong các loại nước chấm, tất cả món ăn chế biến sẵn (như mì ăn liền, các loại bánh snack, …), hay dùng để ướp thịt và các món ăn khác trong các bếp ăn, nhà hàng. Siêu bột ngọt hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng mà chỉ là chất điều vị, làm tăng cảm giác ngọt.

3.4.    Hạt nêm

Hạt nêm (hay còn gọi là bột nêm): là loại phụ gia hỗn hợp chứa nhiều nguyên liệu. Trong đó thành phần thường gặp là các chất điều vị: bột ngọt (chiếm khoảng 30% - 40%), chất điều vị 627, 631. Hạt nêm mang nhiều hương vị khác nhau cho món ăn. Không giống như bột ngọt có dạng hình que dài, hạt nêm có dạng hạt nhỏ, gần như tròn, hoặc dạng bột, và thường có màu vàng nhạt.

Gần đây trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm hạt nêm được quảng cáo là “không bột ngọt”. Các nhà sản xuất đều cố gắng nhấn mạnh sản phẩm của mình được chiết xuất từ các vật liệu tự nhiên như xương ống, thịt hầm, sườn non, hạt sen tươi,... Tuy nhiên, nhìn kĩ vào thành phần trên bao bì, ta thấy có chất điều vị 627, 631.  Thử lướt mắt qua một số sản phẩm hạt nêm của các nhãn hiệu nổi tiếng sau:

alt Sản phẩm của Knorr: được quảng cáo là “Knorr đảm đang”, có vị “tự nhiên hơn bột ngọt”. Trong khi đó thành phần trên bao bì lại ghi là: “bao gồm muối, chất điều vị (621, 631, 627),…”.

alt Tương tự, trong thành phần hạt nêm thịt heo “Maggi Ngon Ngon” của Công ty Nestlé VN cũng có chất điều vị (621, 631, 627),… cùng với muối, đường, hương thịt heo tổng hợp... Hãng này cũng thuyết phục người tiêu dùng với câu “Được làm từ thịt heo nguyên chất” và “Đậm đà vị thịt”.

alt Trên sản phẩm hạt nêm Aji-ngon của Công ty Ajinomoto VN có  ghi rõ ràng tên khoa học của các chất cấu thành nên sản phẩm như chất điều vị 621 (mononatri glutamat), chất điều vị 631& 627 (dinatri inosinat & dinatri guanylat) bên cạnh muối, đường, nước cốt, bột thịt gà,…..

Trên bao bì sản phẩm “Hạt nêm thịt heo” được quảng cáo là “Làm từ thịt heo nguyên chất” mang nhãn hiệu Vedan của Công ty Vedan VN cho thấy ngoài thành phần là muối, đường, tiêu trắng, ớt... còn có các chất điều vị (621, 627, 631).

Còn hạt nêm Vicook’s của Công ty TNHH Vĩnh Nguyên mang dòng chữ “100% được chế biến từ thịt gà và thịt heo”. Thành phần của Vicook’s cũng là chất điều vị (621, 631, 627),...

Hoặc gần đây nhất là quảng cáo “Hạt nêm không bột ngọt Chin-su” của Công ty Cổ phần Công nghiệp - Thương mại Masan. Lời giới thiệu khá ấn tượng như: “Hạt nêm Không Bột Ngọt đầu tiên tại Việt Nam”, “một sản phẩm bước ngoặt”, “CHIN-SU tự hào là hạt nêm đầu tiên Không Bột Ngọt, từ sườn non và hạt sen tươi, đem đến hương vị thơm ngon, thanh ngọt đặc trưng cho món ăn, giúp cả nhà thật sự yên tâm thưởng thức trọn vẹn bữa ăn gia đình”. Trên nhãn của gói hạt nêm này in không dưới 4 lần cụm từ “không bột ngọt” như một lời nhấn mạnh. Kèm theo đó là dòng chữ “đạt an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế” khiến người tiêu dùng không thể không tin tưởng. Nhưng trong thành phần hạt nêm cũng chứa chất điều vị 627, 631.

alt

Các lời quảng cáo như “100% từ nước hầm xương”, “ngon từ thịt, ngọt từ xương”, “tốt hơn cho sức khỏe”, “tốt hơn bột ngọt”,... trên đã dẫn đến sự hiểu lầm cho người tiêu dùng. Có thể thấy mục đích của việc quảng cáo này chính là đánh vào tâm lí ngại sử dụng bột ngọt của người dân. Bột ngọt không hề là chất cấm trong thực phẩm nhưng một số doanh nghiệp lại cố tình “thổi phồng”, làm người tiêu dùng hiểu sai về bột ngọt để chuyển sang sử dụng những sản phẩm của họ. Rất nhiều người đã lựa chọn hạt nêm như thứ gia vị hoàn toàn tự nhiên tốt cho sức khoẻ và dùng thoải mái cho trẻ nhỏ.

Nhưng sự thật thì không phải vậy

Theo phân tích của các chuyên gia về thực phẩm, nếu nói sản phẩm được làm từ thịt và xương thì không được phép có chất Monosodium Glutamate (bột ngọt).

Mới đây, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP. HCM đã nhận xét nghiệm 3 mẫu hạt nêm của 3 nhãn hiệu bột nêm nổi tiếng và phổ biến trên thị trường là Knorr, Maggi và Aji ngon. Kết quả cho thấy cả 3 mẫu hạt nêm này đều có chứa Monosodium Glutamate (bột ngọt) với hàm lượng: Knorr 31,3g/100g, Maggi 28,6g/100g và Ajingon là 26,7g/100g. Như vậy, thành phần của các loại hạt nêm này không chỉ hoàn toàn là các thành phần kết tinh từ nước hầm xương, thịt như lời quảng cáo trên các phương tiện truyền thông và trên bao bì.

Còn theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, trong sản phẩm “Hạt nêm không bột ngọt Chinsu”, hàm lượng monosodium glutamate (bột ngọt) chiếm 0,6%.

Một sự thật đáng ngại!

Bên cạnh đó, tất cả các bao bì của sản phẩm hạt nêm trên thị trường hoàn toàn không có một thông tin rõ ràng rằng có thành phần bột ngọt. Thay vào đó là các chữ chất điều vị (621,631,627) hoặc Sodium Glutamate. Hoặc có sản phẩm hạt nêm ghi rất rõ không bột ngọt, nhưng thành phần lại chứa chất điều vị (631, 627). Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: “Chất điều vị 627 và 631 không chỉ là bột ngọt mà còn là chất siêu ngọt. Nếu sản phẩm nào ghi trong thành phần có chất điều vị 627 và 631 mà nói là không có bột ngọt là gian dối”.

Trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng cho thực phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 3742/2001/QĐ ngày 31/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế không có 2 chất điều vị là 631 và 627 (Nhưng hai chất này có trong danh mục của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế - Codex). Trên nguyên tắc, các chất phụ gia không có trong danh mục của Việt Nam là không được phép sử dụng ở Việt Nam.

Thế nhưng trên thực tế từ nhiều năm qua chất siêu ngọt này được sử dụng rộng rãi trong sản xuất, chế biến thực phẩm ở hầu hết các loại thực phẩm cần có độ ngọt của thịt, thậm chí ở các sản phẩm không liên quan đến độ ngọt của thịt. Nhiều nhà sản xuất, chế biến thực phẩm đã ém nhẹm việc sử dụng chất này, không xin phép, không khai báo trong thành phần của thực phẩm, trong khi theo quy định là phải xin phép sử dụng và phải thông báo trên nhãn hàng hóa. Như vậy với các sản phẩm sử dụng chất này mà không xin phép làm sao biết họ cho vào thực phẩm với liều lượng bao nhiêu, có đáng tin cậy không?

Kể từ sau vụ “Tự nhiên hơn bột ngọt” của “Knorr Đảm đang” (cuối tháng 10/2005),  đã có cuộc họp của các chuyên gia tư vấn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau đó, Bộ Y tế đã quyết định cho phép sử dụng hai chất điều vị 627, 631 trong thực phẩm.

3.5.    Chất điều vị 627, 631 và sức khỏe

Như đã nói ở trên, trong hạt nêm nào cũng có hai chất điều vị 627, 631. Ảnh hưởng của hai chất đó đến sức khỏe con người ra sao? Vấn đề này hiện đang rất được nhiều nhà khoa học cũng như người tiêu dùng quan tâm.

Bác sĩ K. Ekelman và bác sĩ K. C. Raffaele, Bộ Thực phẩm và thuốc của Hoa Kỳ, cho biết các nhà khoa học về độc chất đang nghi ngờ khi hai chất Disodium 5’-Guanylate và Disodium 5’-Inosinate kết hợp với nhau sẽ tạo ra rất nhiều độc chất mới có thể gây quái thai và gây rối loạn chuyển hóa. Đồng thời các công trình nghiên cứu trên chuột đực và chuột mang thai đã và đang tiến hành. Số liệu nghiên cứu được thông báo trên trang web: http://www.inchem.org/documents/jecfa/jecmono/v32je06.htm.

Hiện nay hai chất điều vị 627, 631 (chất siêu ngọt) đã được Bộ Y tế nước ta cho phép sử dụng trong thực phẩm. Tuy nhiên, cũng giống như bột ngọt, nó chỉ đơn thuần làm tăng độ ngon chứ không hề có giá trị dinh dưỡng, do đó không nên lạm dụng.

PGS-TS Phan Thị Sửu, Viện Công nghệ thực phẩm - Bộ Công nghiệp phát biểu: “Việc sử dụng chất điều vị là được phép nhưng phải có giới hạn nhất định. Nếu cho vào bột nêm, viên canh, xúp thịt hoặc bột gia vị thì bột ngọt chỉ được chiếm tỉ lệ 10g/1kg sản phẩm, tức 1% mà thôi. Còn nếu hàm lượng bột ngọt tính theo khối lượng sản phẩm là 30%, theo tôi là quá nhiều. Riêng hai chất 631 và 627 dù trong qui định không ghi cụ thể, nhưng theo tôi, dù gì thì gì cũng không thể vượt hơn tỉ lệ mà bột ngọt được phép sử dụng”.

Hội đồng chuyên viên tư vấn vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế cũng khuyến cáo trẻ em dưới 12 tháng tuổi tuyệt đối không nên ăn bột ngọt. Trong thành phần của hạt nêm có bột ngọt, do đó cũng không nên sử dụng hạt nêm trong thức ăn cho trẻ nhỏ.

Quay lại với việc quảng cáo của một số sản phẩm hạt nêm đã nêu trên. Chúng ta nhận thấy có hai điều mà người tiêu dùng bị ngộ nhận từ chính sự tin tưởng vào các lời quảng cáo sai sự thật đó.

_ Họ tin rằng trong hạt nêm không hề có bột ngọt. Điều này thật đáng ngại cho những người bị dị ứng với bột ngọt, những người phải kiêng bột ngọt do một số loại bệnh hoặc phụ nữ đang mang thai (đặc biệt là 3 tháng đầu), các trẻ sơ sinh.

_ Với lời quảng cáo “món ăn không chỉ đậm đà mà còn bổ dưỡng và tốt cho sức khoẻ...” đã khiến một số người tiêu dùng lầm tưởng đây là dạng bột dinh dưỡng, có thể dùng thay thực phẩm như thịt, xương, cá, tôm... Nhiều vị phụ huynh khi chế biến thức ăn cho trẻ nhỏ đã lạm dụng hạt nêm. Có trường hợp, một người mẹ thấy con mình biếng ăn đã dùng nhiều hạt nêm cho bột thêm đậm đà, ngọt hơn hẳn để con ăn được ngon miệng. Tuy nhiên, sau một thời gian, đứa bé cứ còi cọc; đi khám thì các bác sĩ cho biết cháu bị suy dinh dưỡng nặng.

Vì vậy, mong mỏi của nhiều người dân là sản phẩm “có sao nói vậy, nói rõ, nói dễ hiểu, và quảng cáo trung thực”. Nếu nhà sản xuất cứ “ăn nói” lập lờ gây sự hiểu lầm thì chính họ sẽ đánh mất niềm tin nơi người tiêu dùng.

Một thực tế khác mà lâu nay chúng ta không hề để ý là những năm gần đây, người dân đang chuyển sang dùng bột nêm thay cho bột ngọt và muối ăn hàng ngày. Điều này có gì đáng lo ngại? Xin nhắc lại rằng chất điều vị 627 chính là muối chứa hai gốc natri của axit guanylic, còn chất điều vị 631 là muối chứa hai gốc natri của axit inosinic. Chúng tuy không phải là bột ngọt, nhưng có tác dụng mạnh hơn bột ngọt (chứa nhiều gốc natri hơn), đặc biệt là làm giảm lượng muối trong món ăn. 

Theo Bác sĩ Phạm Ngọc Oanh - Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM thì “mặc dù trong thành phần hạt nêm có muối nhưng chỉ là muối bình thường, không phải muối iot. Khi sản xuất hạt nêm, buộc phải sấy khô ở nhiệt độ cao làm iot bốc hơi hết”. Dùng nhiều bột nêm, ta phải giảm lượng muối, kéo theo lượng iot cần thiết cho cơ thể sẽ bị thiếu hụt. Nếu muốn sử dụng hạt nêm, chúng ta nên kết hợp liều lượng phù hợp với muối iot.

KẾT LUẬN

Cho đến nay, bột ngọt và hạt nêm đã được các nhà khoa học công nhận là an toàn trong liều lượng vừa phải. Bộ Y tế nước ta cũng đã cho phép sử dụng các chất này trong chế biến thực phẩm.

Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng bột ngọt, hạt nêm chỉ là gia vị giống như muối, mắm,...; dù làm cho thức ăn thêm hấp dẫn và tạo cảm giác ngon miệng, nhưng chúng vẫn không thể thay thế thịt, cá và các loại thực phẩm khác. Quá ỷ y vào sự thuận tiện mà lạm dụng chúng là điều không hay, đôi khi còn gây tác dụng phụ khó lường.

Muốn đảm bảo dinh dưỡng cho những thành viên trong gia đình thì các bà nội trợ nên chú ý bổ sung lượng thực phẩm đa dạng, đầy đủ, cân đối. Theo lời khuyến cáo của các chuyên gia, chúng ta nên dùng nước mắm để pha chế, nấu nướng; hạn chế sử dụng bột ngọt, hạt nêm và tuyệt đối không dùng hai chất này cho trẻ ăn dặm.

Để thay thế hạt nêm trong nhà bếp, chúng ta có thể mua các loại xương heo, bò, gà,... vào sáng sớm để xương còn tươi, độ ngọt cao, thơm và an toàn vệ sinh. Hầm liên tục trên bếp nhiều giờ, càng lâu càng ngọt. Nước cốt sau khi hầm cất vào tủ lạnh để dùng nhiều lần. Làm theo cách này tuy hơi mất nhiều thời gian nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho sức khỏe.

Thiết nghĩ, những thông tin trung thực về tác dụng của bột ngọt, hạt nêm nên được phổ biến, cập nhật thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này giúp cho người dân có cái nhìn khoa học hơn về bản chất của hai loại gia vị trên, giảm bớt sự lo ngại quá đáng, cũng như thận trọng hơn trong khi sử dụng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      PGS.TS Đỗ Đình Rãng (chủ biên) (2007), Hóa học hữu cơ (tập 3), NXB Giáo dục.

Các trang web Tiếng Việt:

2.      http://www.tienphong.vn/

3.      http://vi.wikipedia.org/wiki/Mì_chính

4.      http://tim.vietbao.vn/Chất_ điều_vị_621

5.      http://vi.wikipedia.org/wiki/Phụ_gia_thực_phẩm

6.      http://vietbao.vn/Suc-khoe/Kham-pha-bot-ngot/

7.      http://vietbao.vn/Suc-khoe/Bot-ngot-Mi-chinh-co-an-toan-khong/55205347/250/

8.      http://forum.bacsi.com/showthread.php?t=1282

9.      http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=59933

10. http://hanoi.vnn.vn/gocyte/details.asp?topic=27&id=BT2160749689

11. http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200840/20081001163207.aspx

12. http://teen.vno.vn/showthread.php?t=10085

13. http://www.visalco.com.vn/webplus/viewer.asp?pgid=3&aid=254

14. http://giadinh.net.vn/home/20081013082155343p0c1011/quang-cao-hat-nem-khong-co-bot-ngot-lua-doi-nguoi-tieu-dung.htm

15. http://www.directfood.net/bluediamond/history.asp

16. http://www.thankinhhoc.com/cochedk.htm

Các trang web Tiếng Anh:

17. http://en.wikipedia.org/wiki/Disodium_inosinate

18. http://en.wikipedia.org/wiki/Disodium_guanylate

19. http://www.inchem.org/documents/jecfa/jecmono/v32je06.htm

20. http://www.healthymuslim.com/articles/rdtvs-msg-the-flavor-enhancer-linked-to-obesity-brain-damage-and-other-diseases.cfm

21. http://www.resourcesforlife.com/docs/item1225

Nguồn: http://dayhoahoc.com/20100918492/Hoa-hoc-va-doi-song/Hoa-hoc-thuc-pham/Tim-hieu-ve-bot-ngot-bot-nem-va-suc-khoe.html

Chủ đề: , ,

13 comments

  1. vay thi bot nem va bot ngot loai nao khong co hai suc khoe?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bài này nghiên cứu rất công phu. Hơi dài, DS phải đọc tới đọc lui mấy lần. DS đã cho thêm phần tóm lược và ý kiến ở phần đầu. Có gì cho DS thêm ý kiến nhé. :)

      Delete
  2. Cam on bai nghien cuu rat cong phu, rat huu ich. Rieng toi con chua biet duong phen lam tu chat lieu gi, tot xau ra sao. Ai biet xin mach bao gium, toi rat cam on

    ReplyDelete
    Replies
    1. DS mới đăng bài đường phèn ở đây: http://www.amthucchay.org/2013/05/uong-phen.html. Nào giờ mới biết đường phèn được làm bằng đường trắng nấu với nước vôi và nước trứng gà...

      Delete
  3. I like this post .

    Thank you for sharing !

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hello Tusen. How are you? I am glad you like this post, I learned a lot from it.

      Delete
  4. Hồng Hòa Vi đã trở lại và có khả năng ăn hại hơn xưa :d

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dạo này cô DS khỏe không ạ, con hơi bận, đến giờ mới bắt đầu có thể online được :)

      Delete
    2. Mèn đéc ơi! Trông HHV còn hơn là trời nắng hạn trông mưa. Hổng biết đi đằng mô mà mất rựa.

      Để xem HHV ăn hại ra sao đây! :-d

      Delete
  5. Bài viết khá chính xác. Tốt nhất là hạn chế tối đa phụ gia. Mình không dùng cả hai phụ gia bột ngọt và hạt nêm. Mình dùng muối iod và hạt mật ong. Hạt này giống hạt nêm, được làm để uống trà nhưng mình dùng để nấu ăn. Cái chính là bạn quá chiều cái lưởi của mình. Hãy xem lại đi, đồ ăn càng ngon càng độc: Đồ chiên ngon hơn luộc, mặn dể ăn hơn lạt, béo dể nuốt hơn khô khốc...hãy ăn bằng cái não sẽ thọ hơn nhé.

    ReplyDelete
  6. Tóm lại bột ngọt thì có chất điều vị 621 (Monosodium Glutamate), bột nêm thì có chất điều vị 627 (Disodium Guanylate) + 631 (Disodium Inosinate). Tin chắc không có hãng nào dùng toàn rau cải để chế biến ra bột nêm không đâu. Làm vậy sao mà họ có lợi nhuận?

    ReplyDelete
  7. Cho hoi con hoi la quy trinh san xuat bot ngot duoc ap dung tai viet nam vao năm nao. Con can gap

    ReplyDelete
  8. Cám ơn chị Diệu Sương về bài viết này. Thông tin rất chính xác và dễ hiểu.

    ReplyDelete

Lên đầu trang