Bát Quan Trai: Chùa Phật Bảo

Nếu mình có tâm tu học, mình sẽ được quý Thầy dạy dỗ rất chu đáo.  HT dạy khi ăn không được gãi đầu vì tóc rất dơ, mình gãi làm bay gàu vào thức ăn và tay cũng bị dơ, không có vệ sinh; không được nhìn quanh nhìn quất, gắp hất thức ăn qua lại để chọn lựa; ăn bằng muỗng, gắp bằng đũa để giữ vệ sinh chung.  

Buổi sáng thầy tri sự cũng dạy không được mang guốc đi lên xuống cầu thang nghe cộp cộp.  Đi đứng phải cho nhẹ nhàng, không gây tiếng động.  Không nên nói lớn, việc gì cần nói mới nói, nên ăn nhỏ nói nhẹ.  Mình phải làm gương cho mọi người, không thôi mai mốt đông người khó nhắc nhở lắm. 

Mỗi lần có ngày thọ bát như vầy, quý Thầy rất mệt, phải lo sắp đặt mọi thứ...  Ở chùa ít người đã quen, nay có nhiều người đến nguyên ngày, mà những người mới tập sự thì cũng "mệt" thiệt...  Nhưng quý Thầy lại rất hoan hỷ khi thấy có người chịu học, chịu tu.

Phần ẩm thực:

Canh bí rợ

Tàu hủ khìa sả ớt

Xôi vò

Bánh bột lọc


Phần Pháp thực:

HT nói giảng tuy dễ mà khó, dạy tuy khó mà dễ.  Khi giảng mình phải biết trình độ của Phật tử, để coi mình nên nói gì.  Còn dạy chỉ chuyên nhất một đề tài, phải học nghiên cứu sâu về đề tài đó.

Theo luật Phật khi thọ giới phải đến đúng giờ, nếu tới sau khi truyền giới, kể như không có thọ giới.  

Ngày 14 và 29 là ngày sám hối; 15 và 30 là ngày bố tát để tụng giới lại.  Trước khi bố tát phải sám hối để tâm được hoàn toàn thanh tịnh.


Nghĩa của câu Nam Mô A Di Đà Phật:
Nam Mô: cung kính, đảnh lễ, nhất tâm quy mạng.  Theo sự là cung kính, theo lý là trở về bản tánh của chính mình
A: không
Di: đo lường, đếm được 
Đà: mang tính chất của ngôn ngữ học
Phật: giác ngộ
Nam Mô A Di Đà Phật có nghĩa là con xin cung kính đảnh lễ đấng giác ngộ không thể đo lường được tuổi thọ, hào quang, công đức.

Tịnh độ (pure land):
Tịnh: sạch
Độ: cõi, quê hương, quốc độ
Mình đi bằng cái tâm (mind) của mình, không đi bằng thân mình mà tới được.
Tới đó học Phật để giác ngộ, giải thoát rồi hòa nhập Ta-bà, phân thân vô số để hóa độ chúng sanh.

Lấy oán báo oán,  oán chập chồng
Lấy ân báo oán, oán tiêu tan

Phật tử vào chùa nên làm gương cho người, không nói chuyện thị phi, không nghe chuyện thị phi.  Chuyện thị phi để cho báo chí nói.  Mình đến chùa chỉ một lòng một dạ tụng kinh niệm Phật.  Không thôi rất tốn thời gian, ngồi còng lưng cả ngày rất uổng.

Vào thời đức Phật, ông Cấp Cô Độc chưa bao giờ đến tinh xá tay không và chưa bao giờ rời khỏi tinh xá đầu không:  lúc nào ông cũng đem một vật gì để cúng dường, và lúc nào ra về ông cũng học được một điều.  Đây là gương tốt để ta noi theo, lúc nào mình cũng tu tập, rất có nhiều chuyện để mình học hỏi.  Mình vào chùa phải có tâm học, tâm tu.

Ở đời không ai cùng cực nghèo khổ mà không có gì để tặng người khác.  Mình có thể tặng lời nói, tiếng cười...  Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.  Mình có thể giúp người già, hy sinh giúp đỡ người khác...  Sự tu tập phải nên áp dụng ngay đây và bây giờ, chỗ nào mình đang ở, chỗ đó đều tu tập được.  

Người trước, đàn anh đàn chị, nên giúp cho người sau tu tập.  
Giáo nhơn, giáo yếu tâm: dạy người chủ yếu là dạy tâm.  Không phải vào chùa để làm việc lăng xăng.
Nên nhớ rằng tất cả pháp môn chỉ là phương tiện, tùy theo sở thích của người đó.  Người niệm Phật không nên kích bát thiền, mật, giáo...  Là Phật tử không nên chê qua chê lại, chính yếu là nên tu tập pháp môn của mình đã chọn.

Cái gì biết thì nói là biết, cái gì chưa biết thì nói là chưa biết, không nên xấu hổ.  Không biết mà trả lời tầm bậy là mang tội.

Ở Mỹ công ăn việc làm là chính, cơ bản là ở nhà mà tu.  Sáng trước khi đi làm nên xá Phật.  Đi về cũng nên xá Phật.  Phải có trên có dưới, có hiếu có đạo.  Như vậy nhắc cho mình nhớ, hận thù, giận hờn... gì cũng bớt đi.

HT hỏi có biết tại sao ra đường gặp đám ma là hên không.  Ai cũng ngơ ngác, hỏi sao là hên.  HT cười đáp, vì người chết đó không phải là mình.  (Ồ thật đúng là vậy,  đám ma là nhắc nhở vô thường, mình còn sống ngày nào, nên mừng ngày đó.)
Chủ đề: ,

0 comments

Lên đầu trang